Một tiêu chí quan trọng khi mua sắm qua mạng là tham khảo ý kiến đánh giá về sản phẩm của những khách hàng trước.

Lời khen chiếm đa số sẽ khiến bạn yên tâm hơn khi click chuột vào nút mua, trong khi những lời nhận xét tiêu cực hoàn toàn có thể dập tắt ý định shopping của bạn.

Mùa mua sắm cuối năm đã chính thức mở màn, và nếu như bạn là một tín đồ của mua sắm online, đây sẽ là dịp không thể bỏ qua để săn những món hàng chất lượng với giá cực hời.

Do không thể nhìn tận mắt, sờ tận tay như khi mua hàng tại các cửa tiệm, một kênh quan trọng giúp bạn đánh giá về sản phẩm định mua chính là phần review (bình luận) của các người dùng khác. Mặc dù đa số ý kiến review đều do những khách hàng đích thực như bạn tải lên, nhưng đừng vì vậy mà chủ quan. Cũng không thiếu những lời bình luận là “chân gỗ”, do các người dùng giả danh được doanh nghiệp bỏ tiền ra thuê để ca ngợi sản phẩm của họ, hoặc để dìm hàng, ném đá sản phẩm đối thủ.

Trong một số trường hợp, gần hết, nếu như không muốn nói tất cả các ý kiến review bên dưới sản phẩm đều là “đặt hàng”. Việc chứng minh ý kiến nào là “dỏm” rất khó, song dưới đây là một số mẹo giúp bạn đánh hơi những ý kiến chân gỗ như vậy.

1. Khen thì khen tuyệt đối, chê thì chê hết lời

Lần cuối cùng mà bạn ưng ý một sản phẩm tuyệt đối, không có bất cứ chê trách hay phàn nàn gì là khi nào? Dù cho một sản phẩm tốt đến đâu thì nó cũng phải có một, hai nhược điểm nhỏ. Do đó, những review hào phóng chấm 5 sao với những lời khen trên mây như “Hoàn hảo”, “số 1 không cần bàn cãi” mà không đề cập đến bất cứ mặt trái nào thì rất có thể là bình luận chân gỗ.

Ngược lại, nếu như một ý kiến mà nhấn chìm hoàn toàn một sản phẩm nào đó về tất cả các mặt thì hoặc là do một đối thủ cạnh tranh post lên, hoặc là do tín đồ hâm mộ một thương hiệu khác phát ngôn.

2. Tên của người bình luận

Ảnh
Đa số ý kiến đánh giá là của người dùng đích thực, nhưng cũng không hiếm trường hợp là các ý kiến chân gỗ trên các website mua hàng. ( Ảnh chụp màn hình)

Phần tên cũng giúp bạn chấm điểm độ xác thực của một ý kiến đánh giá. Thường thì những người dùng giả danh sẽ không tốn thời gian để sáng tác tên thật nên hay sử dụng nhiều biến thể khác nhau của một bút danh, hoặc là lựa chọn những cái tên ngẫu nhiên vô nghía kiểu như alo.vn1234, pfb6736, nb32003 v...v...

3. Ngày review

Ngày post ý kiến đánh giá cũng hé lộ nhiều thông tin về độ chân thực của ý kiến đó. Nếu như bạn đọc được một số ý kiến chấm 5 sao cho cùng một sản phẩm, được post lên cùng hoặc gần ngày với nhau, với một giọng điệu na ná thì nguy cơ cao chúng là review rởm. Bên cạnh đó, nếu như một ý kiến chia sẻ các trải nghiệm trên tay về sản phẩm vào đúng ngày sản phẩm đó lên kệ thì bạn cũng nên đặt một dấu chấm hỏi lớn. Thường thì một người dùng cuối điển hình phải mất rất lâu mới đúc kết được trải nghiệm đời thực cho một sản phẩm, nhất là với hàng công nghệ.

4. Số lượng ý kiến từng post ít

Thông thường, bạn sẽ phải lập tài khoản người dùng để có thể đăng một ý kiến review trên trang bán hàng. Nếu như bạn bắt gặp tài khoản nào chỉ có duy nhất 1 bài post và đó chính là ý kiến review về sản phẩm bạn định mua, hãy nghĩ lại. Tương tự, nếu như tài khoản có nhiều bài nhưng lại chỉ quẩn quanh review về một sản phẩm hoặc thương hiệu duy nhất, cũng nên cảnh giác cao độ. Trong trường hợp này, hãy xem lại ngày mà tài khoản đó được lập, cùng với ngày người dùng post ý kiến review. Nếu chúng trùng ngày với nhau, bạn đã có đầu mối rồi đấy!

5. Giọng điệu review

Đây có lẽ là yếu tố tiết lộ nhiều nhất về độ chân thực của một bài post. Nếu như bạn đọc được ý kiến review nào mà nghe cứ như thể thông cáo báo chí hay từ quảng cáo trích ra, dẫn cả thông tin về tính năng và sự ưu việt của sản phẩm khi so sánh với đối thủ khác, ý kiến đó nhiều khả năng đã được doanh nghiệp cấy vào.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng người dùng đích thực thường nói nhiều đến tốc độ, độ tin cậy, giá trị khi bỏ tiền ra mua sản phẩm. Và họ thường không bao giờ thấy vui vẻ với một món hàng cao giá.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (1)
Tro Choi Vui  373

mua hàng trực tuyến phải cận thận