Hiệp hội Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) vừa có văn bản gửi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng của năm website tìm kiếm: Zing, Baamboo, Socbay, 7sac và Monava kèm theo chứng cứ vi phạm mà IFPI thu thập được dựa trên qui định của pháp luật VN.
Ông Phạm Long Minh, chánh văn phòng RIAV, cho biết đã có rất nhiều tổ chức âm nhạc nước ngoài, hãng băng đĩa như Universal, Sony, Warner Music đến khảo sát thị trường VN rồi từ chối bán nhạc vì "nhạc số được sử dụng bừa bãi không có bản quyền. Nhạc VN còn chưa được tôn trọng thì sao tôn trọng nhạc quốc tế".
Cũng theo ông Minh, sự phát triển của các trang tìm kiếm nhạc có thể sẽ vô tình giết chết nền công nghiệp ghi âm VN. Một tác phẩm âm nhạc vừa phát hành đã có ngay trên Internet và người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, nghe, tải miễn phí chất lượng cao tại các trang search nhạc khiến các hãng băng đĩa thất thu một khoản khá lớn, các hãng đều ngại khi sản xuất các chương trình mới, việc giao lưu hợp tác với quốc tế trong sản xuất, ghi âm cũng khó khăn vì điều kiện tôn trọng bản quyền không được thực thi. Hầu hết hãng băng đĩa, nhà sản xuất nước ngoài thông qua IFPI đã than phiền về tình trạng sử dụng nhạc số tràn lan tại VN.
Bản quyền nhạc số: lỏng lẻo
Trong số hàng ngàn trang nhạc trực tuyến hiện nay, số lượng trang có động thái tôn trọng bản quyền có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, hiện mới chỉ có nhacso.net của FPT, sonic.vn của Vietway và yeuamnhac.net của Công ty Yêu âm Nhạc mua bản quyền tác giả với một giá trị mang tính tượng trưng. Nhưng bản quyền tác giả chỉ chiếm khoảng 10-30% giá trị bản quyền một bài hát, phần còn lại thuộc hãng đĩa, nhà phát hành, ca sĩ... Vậy mà hiện bản quyền tác giả còn không trả nổi thì đào đâu ra tiền để trả cho các đơn vị kia!
RIAV đã đề nghị đơn giá bản quyền sử dụng 1 bài hát/1website trong một năm là 1 triệu đồng. Trung bình mỗi site nhạc VN hiện tại không dưới 3.000 bài hát. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh việc thu phí bản quyền thì hoặc các site này phải gỡ hết nhạc hoặc chủ website sẽ trốn biệt.
Chính vì để khích lệ những website đầu tiên mua bản quyền, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chưa đưa ra một khung giá, một hình thức thu phí nhất định. Mà mức phí còn tùy thỏa thuận với chủ website, tùy mức độ ngọt nhạt của người năn nỉ mua bản quyền. Ví dụ như thỏa thuận với một site nhạc rằng "nếu bán được 100 đồng sẽ chia X% cho trung tâm tác quyền". Nhưng từ khi hợp đồng được ký đến nay trung tâm vẫn chưa thu được đồng nào bởi trang này vẫn đang cho nghe nhạc miễn phí.
Có thể kiện search nhạc
Với các trang tìm kiếm nhạc, vấn đề trở nên đau đầu hơn. Treo lên ngực tấm biển "tôi là search engine", những người làm website này lý luận rằng họ vô tội. Họ chỉ là cỗ máy tìm kiếm, họ không lưu trữ nhạc, không sử dụng nên không cần phải mua bản quyền.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Hảo, luật sư điều hành Công ty Dịch vụ bản quyền quốc tế, khẳng định lý do đó không thuyết phục. Bất cứ người dùng nào cũng có thể vào Zing, Baamboo hay các trang tương tự tìm kiếm bài hát rồi nghe, tải nhạc từ trang này mà không cần phải vào trang web nguồn.
Như vậy họ đã sử dụng bản ghi trực tiếp trên web tìm kiếm, nếu các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm này không mua bản quyền sử dụng thì đã vi phạm qui định về bản quyền khai thác và sử dụng âm nhạc. Chủ sở hữu bản ghi có quyền yêu cầu các trang web vi phạm chấm dứt sử dụng tác phẩm và bồi thường thiệt hại nếu có. Liên quan đến quốc tế, trong trường hợp chủ sở hữu bản ghi là tổ chức có quốc tịch thuộc quốc gia tham gia các điều ước quốc tế về bản quyền, thì bên vi phạm ngoài bồi thường thiệt hại sẽ phải chịu tất cả chi phí cho vụ kiện và chi phí cho luật sư của cả hai bên.
(Theo Tuổi Trẻ)
Bình luận
Rõ ràng không thể chỉ nói mỗi chuyện nhạc không mà còn nhiều thứ khác. Việt Nam kém về khâu quản lý nên mọi thứ lôi ra thì đều là vấn nạn cả thôi.
có 1 điều thế này, các web tìm kiếm bị gián tội là vi phạm bản quyền. Nhưng mình thấy thế này, phần mềm LimeWire (bản basic) là 1 công cụ tìm kiếm nhạc, video,... nhưng nó không vi phạm. Thế là sao nhỉ, web thì vi phạm, còn soft thì không?
Mới nghe đến LimeWire lần đầu, vào limeware.com thì thấy nó là chương trình chia sẻ file P2P. Chương trình này không vi phạm, chỉ có những người chia sẻ file họ không có quyền sẻ mới vi phạm.
Còn search engine của VN ? Tìm ra bài hát click một cái là download về luôn hoặc nghe trực tiếp, như vậy gọi là "lấy" chứ không phải "tìm" nữa. Hãy nhìn cách Google tìm nhạc, video hoặc ảnh. Nó chỉ hiển thị thumbnail, muốn xem ảnh lớn thì phải vào trang web gốc. Còn tìm video thì chỉ nghe/xem được những đoạn nhạc/phim ở google video hoặc youtube, còn lại nó đưa link đến trang gốc.
Hãy so sánh đi. Web thì vi phạm, soft thì không vì soft thì có người cung cấp tài liệu nguồn.