Theo Bộ TT&TT, hiện một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ đang trong tình trạng rất bi đát. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh thì tồn tại và Bộ TT&TT sẽ không bảo vệ các doanh nghiệp không cạnh tranh được bằng mọi giá.
Sẽ có doanh nghiệp "ra đi"
Trong một cuộc họp mới đây của Bộ TT&TT, Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông thời gian qua có những doanh nghiệp viễn thông lớn vẫn phát triển khá tốt, song một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ đang trong tình trạng rất bi đát. Thậm chí, có những doanh nghiệp nếu không cải tổ sớm thì chỉ trụ được 2 - 3 tháng nữa.
Theo phân tích của các chuyên gia, S-Fone được nhắc đến với cái tên đầu bảng về tình trạng bi đát. Việc không có tiền đầu tư đã khiến S-Fone lao dốc không phanh. Không có tiền vận hành và trả tiền thuê đặt trạm thu phát sóng nên S-Fone phải thu hẹp mạng của mình. Nhiều khách hàng đồng loạt phản ánh vùng phủ sóng của nhà mạng bị thu hẹp nhanh liên tục khiến điện thoại di động của họ chẳng khác gì... cục gạch. Hàng loạt thuê bao của S-Fone nối đuôi nhau rời mạng hoặc bị “cưỡng bức” rời mạng vì không còn vùng phủ sóng nữa. Nhiều cửa hàng của S-Fone chỉ còn treo mỗi bảng hiệu, đóng cửa im lìm hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Ít thuê bao, không có tiền duy trì bộ máy có lẽ là những nguyên nhân quan trọng nhất khiến S-Fone phải “cắn răng” chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên của mình. Tuy nhiên, điều này được giải thích dưới danh nghĩa chuyển đổi mô hình sang cổ phần. Mặc dù cho nhân viên nghỉ việc nhưng S-Fone vẫn nợ các khoản tiền lương và chế độ khác của người lao động khiến người lao động bất bình gửi đơn kiện, thậm có có nơi đã biểu tình đòi S-Fone phải giải quyết chế độ cho họ.
Hiện tại, S-Fone đang ôm một khoản nợ khổng lồ gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích. Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, cả VNPT và Viettel đều cho rằng S-Fone và công ty mẹ SPT đều là con nợ lớn của họ. Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, Tổng giám đốc SPT Hoàng Sĩ Hóa cho biết là đã có doanh nghiệp viễn thông cắt kết nối mạng cố định của SPT. Sau đó, SPT phải xin các doanh nghiệp viễn thông kia nối lại để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Thời điểm này, một dịch vụ "bỗng dưng sống dậy" là kết nối điện thoại quốc tế chiều về đang sinh lời cao sau khi các doanh nghiệp đồng loạt nâng cước nhưng SPT đành ngậm ngùi đứng ngoài cuộc do bị các "đại gia" viễn thông cắt kết nối vì... nợ cước.
Ở tình cảnh như vậy, SPT có lẽ sẽ khó thuyết phục các đối tác và cả ngân hàng bơm tiền để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Giới truyền thông đang ví S-Fone như con thuyền từ từ đắm mà chưa có phao cứu sinh.
Tương tự, các chuyên gia cũng cho rằng, sau khi thay đổi thương hiệu và chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn của Việt Nam Gmobile chưa có đột phá gì. Nhiều đại lí SIM thẻ ở Hà Nội phản ánh, tình hình tiêu thụ SIM thẻ của Gmobile rất hạn chế, thậm chí còn ít hơn nhiều so với trước đây khi mà mạng này tung ra các gói cước Tỉ phú gây sốc trên thị trường. Số lượng thuê bao không nhiều nhưng phải duy trì vận hành mạng lưới khiến cho Gmobile vô cùng khó khăn. Nhiều người tin rằng Gmobile là mạng gặp nhiều khó khăn chỉ đứng sau S-Fone mà thôi.
Không "thả phao" cứu doanh nghiệp viễn thông phá sản
Sau cuộc "hôn phối" của Viettel và EVN Telecom, nhiều ý kiến cho rằng thị trường di động sẽ rất khó có cuộc sáp nhập tương tự. Giả sử S-Fone không thể tìm được đối tác thì nhà mạng này cũng không còn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
Trả lời báo Bưu điện Việt Nam về vấn đề liệu cơ quan quản lí có "thả phao" cứu các doanh nghiệp viễn thông sắp phá sản hay không? Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, về phía Bộ TT&TT sẽ kiên quyết quan điểm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh tốt thì tồn tại, bất kể đó là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.
"Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lí, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì sẽ vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thì hoàn toàn có thể bị chết, chấm dứt và rút khỏi thị trường", ông Phạm Hồng Hải nói.
Ông Phạm Hồng Hải khẳng định, quan điểm của Bộ TT&TT sẽ phải thực hiện theo đúng quy hoạch thị trường viễn thông là duy trì ít nhất có 3 doanh nghiệp ở thế cân bằng những dịch vụ quan trọng để giúp cho thị trường cạnh tranh theo đúng cơ chế thị trường.
"Doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lí, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì sẽ vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ TT&TT sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này. Nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh".
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT
Theo ICTnews
Bình luận