Người dùng internet tại Trung Quốc đă không thể truy cập trang web Youtube hôm chủ nhật vừa qua sau khi trên trang chia sẻ video lớn nhất nước Mỹ và cũng là lớn nhất thế giới này xuất hiện hàng chục đoạn video về các cuộc biểu tình tại Tây Tạng (Tibet)
Quyết định chặn xem YouTube của chính quyền Trung Quốc được xem là hành động kiểm soát sự thật về các cuộc biểu tình nổ ra hôm thứ sáu (14/3) tại thủ phủ Lhasa của Tây tạng nhằm phản đối cách hành xử của Trung quốc trên vùng đất này.
Tất cả các truy cập vào YouTube từ Trung Quốc đã bị chặn lại sau khi trên trang web này xuất hiện các bản tin thời sự của các kênh truyền hình nước ngoài tường thuật về vụ biểu tình ở Lhasa cũng như các bức ảnh, cảnh tượng của các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề Tây Tạng tại nước ngoài.
Theo thông tin từ các hãng tin (AFP, Infoworld...) dẫn tin từ các nguồn tin cho biết có thể đã có tới 80 - 100 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình trên. Tuy vậy, con số đưa ra tại các cuộc họp báo cho tới thời điểm này chỉ là 13 người tử vong.
Chính quyền Trung Quốc không đưa ra bình luận nào về hành động (chặn YouTube) của mình. Không một trang chia sẻ video nào của Trung Quốc "dám" đưa các hình ảnh về cuộc biểu tình bao gồm từ 56.com, youku.com cho tới tudou.com.
Trung Quốc hết sức khuyến khích việc dùng internet vào các vấn đề giáo dục và thương mại nhưng lại hết sức mạnh tay ngăn chặn các vấn đề liên quan đến mại dâm, ma túy hay các vấn đề có thể gây tổn hại tới chính quyền.
Cũng phải nhắc lại rằng hiện nay Trung Quốc đang được xem là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng người dùng internet với khoảng 210 triệu thuê bao. Do vậy, các tin tức lan truyền trên internet có thể nói là có sức ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng.
Quang Minh (theo AP, AFP, Infoworld)
Bình luận