Dưới góc độ chiến lược, việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hoá hoạt động của bộ máy nhà nước đồng nghĩa với việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT). Lộ trình và kế hoạch thực hiện CPĐT là phân giai đoạn và lập kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn.


Ứng dụng CNTT nhằm tạo động lực phát triển xã hội luôn cần có một cách nhìn tổng thể, hệ thống trước khi xây dựng những đề án (ĐA), dự án cụ thể. Nói cách khác, cần xây dựng chiến lược phát triển CNTT trong hiện đại hoá hoạt động của bộ máy nhà nước (NN) rồi sau đó, dựa trên chiến lược này mới xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện.

Từ thực tiễn xây dựng CPĐT ở nhiều nước trên thế giới, có thể chia quá trình xây dựng CPĐT thành 3 giai đoạn hay 3 pha phát triển:

- Pha 1 - Tạo lập môi trường thông tin: Tạo ra môi trường thông tin quản lý nhà nước (QLNN) thống nhất trong toàn bộ hệ thống. Tất cả các cán bộ trong bộ máy NN đều sử dụng chung môi trường thông tin này. Đến khi môi trường thông tin này cung cấp được 70% trở lên lượng thông tin cần thiết phục vụ công việc QLNN hàng ngày ở mỗi vị trí công tác trong bộ máy NN thì pha 1 đạt đến mức phát triển cao, bắt đầu trạng thái CPĐT dưới góc độ thông tin.

- Pha 2 - Làm việc tương tác: Mọi người trong bộ máy NN sử dụng môi trường thông tin trên để phối hợp làm việc cùng với nhau, tương tác với nhau. Lúc đầu quá trình này diễn ra trong nội bộ đơn vị, sau mở rộng dần giữa các đơn vị, sở, ngành với nhau, và cuối cùng, trong toàn bộ bộ máy NN từ trung ương đến địa phương. Khi nào 70% trở lên kết quả hoạt động của bộ máy NN được tạo ra nhờ sự phối hợp tương tác giữa các cơ quan hữu quan thì hệ thống bắt đầu hoạt động trong trạng thái CPĐT dưới góc độ kết nối.

- Pha 3 - Hoàn thiện môi trường pháp lý: Mọi hoạt động của bộ máy NN đều dựa trên các căn cứ pháp lý. Hiện tại, khung pháp lý QLNN ở nước ta đang dựa chủ yếu trên các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư, quyết định...), vì vậy quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý QLNN ở nước ta không chỉ là quá trình luật hóa khung pháp lý mà còn bổ sung, hoàn thiện những bộ luật mới do chính quá trình ứng dụng CNTT tạo ra như luật về chữ ký điện tử, con dấu điện tử, giao dịch điện tử, chứng thực điện tử... Pha 3 được xem là đạt đến mức phát triển cao khi khung pháp lý QLNN bao gồm 70% trở lên là các bộ luật được số hóa, lúc đó trạng thái CPĐT dưới góc độ pháp lý mới bắt đầu hiện diện.

Xây dựng CPĐT là một quá trình hình xoắn ốc (spiral) mở rộng dần, trong đó 3 pha trên gắn kết với nhau, tác động lên nhau và bổ sung lẫn nhau (chứ không phải tuần tự, xong pha này mới triển khai pha tiếp theo). Câu hỏi đặt ra là nước ta có thể hoàn tất cả 3 pha phát triển này trong bao lâu? Câu trả lời là không thể trong 5 năm hay 10 năm vì không có khái niệm CPĐT hoạt động trong khung pháp lý dựa chủ yếu trên các văn bản dưới luật. Pha 3 là pha khó khăn nhất và cần đầu tư nhiều nhất vì các bộ luật được xây dựng và đi vào cuộc sống gắn liền với sức sống của xã hội, không thể là các bộ luật cứng nhắc, chủ quan duy ý chí.

Nếu thống nhất với quan niệm trên thì việc xây dựng kế hoạch triển khai CPĐT giai đoạn từ nay đến 2010 không quá phức tạp. Từ "di sản" mà ĐA 112 để lại, cũng đã có thể làm được rất nhiều việc. Về phần cứng, nên xem là về cơ bản, bộ máy NN đã được trang bị hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Đây là nền tảng rất tốt để thực hiện pha 1: Xây dựng môi trường thông tin điện tử thống nhất trong toàn bộ bộ máy NN.

Ở đây có hai mảng vấn đề lớn, một là hạ tầng kỹ thuật và hai là tổ chức thông tin. Nếu đã có hạ tầng kỹ thuật (với sự mở rộng và hoàn chỉnh thêm) thì việc tập trung kiến tạo lực lượng thông tin cơ bản phục vụ chung trong cả bộ máy NN là việc có thể thực hiện được. Thực ra, ĐA 112 và nhiều địa phương (đặc biệt là TP.HCM) cũng đã xây dựng được nhiều CSDL quan trọng từ cấp quận, huyện đến cấp sở, ngành, như CSDL về các văn bản pháp lý, các đối tượng quản lý, các loại giấy phép, nhân sự QLNN... Chỉ có điều các CSDL này phần lớn đang tách rời nên không tạo được sức mạnh cần thiết. Nếu hệ thống hoá chúng lại, bổ sung thêm một vài CSDL cơ bản khác (như hạ tầng cơ sở, các công trình, chương trình trọng điểm...) và thể hiện chúng trong một hệ thống thông tin QLNN thống nhất bên cạnh những lớp thông tin được cập nhật thường xuyên (tin tức QLNN, thông báo mới, bảng biểu thống kê…) thì bước đầu xây dựng pha 1 (tạm gọi là pha 1.1) đến 2010 là hoàn toàn khả thi.

Trong môi trường thông tin thống nhất đó, ngay từ bây giờ (khi tất cả các đơn vị QLNN đều đã có mạng LAN) thì việc phối hợp làm việc giữa các cán bộ QLNN trong cùng một đơn vị (thậm chí giữa các đơn vị khác nhau) đã có thể diễn ra ở mức sơ khai chứ không phải chờ đến khi đâu vào đấy rồi mới bắt đầu. Vấn đề là làm thế nào kích hoạt và tạo điều kiện cho quá trình này phát triển thành một thói quen với hiệu quả phối hợp ngày càng tăng. Như vậy pha 2 có thể bắt đầu ngay từ bây giờ và dựa trên kết quả do pha 1 tạo ra (môi trường thông tin được mở rộng dần); khả năng phối hợp tăng dần cũng sẽ diễn ra. Sự phối hợp này bao gồm: trao đổi, tham vấn thông tin và phối hợp xử lý vụ việc. Như vậy, nội dung ứng dụng CNTT trong pha 2 của bước này là tạo ra các quy trình phối hợp cơ bản giữa các cán bộ, chuyên viên trong một đơn vị QLNN với nhau và với một vài đơn vị có liên quan mật thiết nhất về chức năng và đào tạo, huấn luyện, thực hành cách làm việc phối hợp đó trong hệ thống. Đây là việc hoàn toàn khả thi.

Cuối cùng, pha 3 có thể bắt đầu khi nào? Ai cũng thấy rằng phải bắt đầu ngay từ bây giờ và việc đầu tiên là xây dựng một nghị định riêng về ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam chứ không phải ép áp dụng nghị định chuyên về xây dựng cơ bản (nghị định 52 hay 16) cho xây dựng các hệ thống CNTT. Chính khung pháp lý chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ và kết quả triển khai ĐA 112 và nếu không có sự thay đổi dứt điểm thì từ nay đến 2010, CPĐT cũng sẽ khó gặt hái được nhiều. Theo tác giả, từ nay đến 2010, có được quy định riêng cho QLNN về CNTT cộng thêm các quy định pháp lý về xây dựng, cập nhật, sử dụng, bảo vệ an toàn môi trường thông tin QLNN và nguyên tắc, quy trình làm việc phối hợp trong môi trường này sẽ tạo ra nền tảng pháp lý ban đầu cho việc triển khai CPĐT ở nước ta.

Cả 3 pha trên đều có thể bắt đầu ngay từ bây giờ, phát triển trong sự gắn kết với nhau, bổ sung lẫn nhau và thích nghi với nhau.

(Theo pcworld vietnam)
 

Bình luận

  • TTCN (0)