Không hề có dấu hiệu giảm, thị trường trong nước ngày càng xuất hiện nhiều các website rao bán thiết bị nghe trộm với đủ loại thiết bị tinh vi, trang bị thêm cả camera, thẻ nhớ lưu trữ cùng giá bán cao.
Thị trường Việt Nam ngay từ năm 2008 - 2009 đã xuất hiện khá nhiều thiết bị được quảng cáo sử dụng với SIM điện thoại “cho phép nghe trộm điện thoại” qua sóng di động GSM.
Nguyên lí hoạt động của loại thiết bị nghe trộm đó là: chỉ cần đặt thiết bị tại nơi cần theo dõi, đối tượng nghe trộm sau đó sẽ gọi vào số thuê bao của chính chiếc SIM cài vào thiết bị; ngay lập tức thiết bị sẽ tự thu âm thanh xung quanh để truyền đến điện thoại của đối tượng có nhu cầu nghe trộm.
Đáng chú ý, nếu như tại thời điểm từ những năm 2008 đến năm 2010, thị trường chủ yếu xuất hiện loại có giá bán từ 500.000 - 2,9 triệu đồng, thiết bị không có khả năng ghi âm thì nay xuất hiện thêm nhiều loại có giá từ 3 - 4 triệu đồng, tính năng còn tinh vi hơn hẳn như trang bị pin Lithium dung lượng cao (cho thời gian chờ 15 - 20 ngày, sử dụng trong 3 - 4 ngày), tích hợp camera có chức năng quay phim, chụp hình, ghi âm từ xa, đồng thời có thể lưu vào thẻ nhớ dung lượng tối đa lên tới 16 GB (ví dụ như loại thiết bị X… có giá 3 - 3,2 triệu đồng).
Thay vì như trước kia việc rao bán chỉ đứng dưới danh nghĩa cá nhân và để lại số điện thoại trên một số website rao vặt thì nay các đối tượng kinh doanh đã sẵn sàng công khai cả tên lẫn địa chỉ công ty kinh doanh bằng web riêng.
Chỉ qua thao tác đơn giản với các công cụ tìm kiếm trực tuyến, người ta sẽ dễ dàng tìm thấy vô số địa chỉ rao bán mặt hàng phạm pháp này trên những trang rao vặt cùng một loạt website rao bán thiết bị nghe trộm mọc lên thách thức pháp luật và cơ quan chức năng.
Có thể kể đến một số trang web như dangcap9x.com, denpin.net (đây là hệ thống siêu thị bán hàng trực tuyến có “chân rết” tại Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên), dientuthaithang.com (trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh ở TP.HCM), dientusaigon.vn, sanphamchonloc.com (có cơ sở tại Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn)…
Đáng chú ý là hiện nay có doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tỏ ra công khai thách thức pháp luật khi ngang nhiên dùng chính các thiết bị họ đang kinh doanh trái pháp luật để làm tên cho website như nghetromdienthoai.com, simnghetrom.com (đều đứng tên công ty là “Hoang Long”, địa chỉ tại Vĩnh Tuy, Hà Nội).
Theo Nghị định số 59/2006/NĐ - CP của Chính phủ, các thiết bị nghe trộm đều thuộc danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, do vậy việc bày bán, sử dụng thiết bị này trên thị trường đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, mặc dù trong suốt thời gian qua các cơ quan chức năng như công an, quản lí thị trường… đã lên tiếng cảnh báo, răn đe nhưng các website rao bán thiết bị nghe lén điện thoại sử dụng công nghệ GSM cho đến nay vẫn hoạt động công khai, ngày càng tỏ ra thách thức pháp luật thì thực tế này được xem là một “hiện tượng lạ”.
Theo ICTNews
Bình luận