Hà Nội, TP.HCM vẫn là "miền đất hứa" của thương mại điện tử. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2012 vừa được công bố tại TP.HCM, 5 địa phương có chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng thấp nhất đều thuộc khu vực Nam Bộ: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và Cà Mau.

Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) theo địa phương là một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2012. Trong đó có xếp hạng về nguồn nhân lực và hạ tầng, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng được tính toán dựa vào nhiều tiêu chí như nguồn nhân lực hiện tại đã đáp ứng thế nào nhu cầu triển khai CNTT và TMĐT của doanh nghiệp, doanh nghiệp có khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kĩ năng về CNTT và TMĐT hay không, các hình thức đào tạo nhân viên, tỉ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT và TMĐT cũng như các tiêu chí về trang bị máy tính, kết nối Internet…

Kết quả cho thấy các thành phố dẫn đầu đều là những trung tâm kinh tế và tập trung nhiều trường đại học. Cụ thể, Top 10 gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cần Thơ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình.

Chỉ số giao dịch B2C được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: sử dụng email cho các hoạt động thương mại như giao kết hợp đồng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp, giao dịch với khách hàng, chăm sóc khách hàng…; xây dựng và vận hành website của doanh nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; bảo vệ thông tin cá nhân.

Về kết quả, điểm số chung cho nhóm tiêu chí giao dịch B2C không cao, tỉ lệ doanh nghiệp chưa có website còn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp có website. Với các doanh nghiệp đã có website thì chất lượng và hiệu quả do website mang lại cũng chưa lớn. Sự hỗ trợ khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán chưa cao. Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng thoả đáng tới việc bảo vệ thông tin cá nhân trong những giao dịch trực tuyến. Top 5 vẫn là những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương.

Chỉ số giao dịch B2B coi trọng tới việc doanh nghiệp triển khai các phần mềm lập kế hoạch nguồn lực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lí hệ thống cung ứng; thực tiễn nhận đơn đặt hàng và đặt hàng trực tuyến của các doanh nghiệp, tỉ lệ tổng giá trị các đơn đặt hàng trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Những địa phương dẫn đầu về loại hình này là các thành phố lớn hoặc các tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Top 5 gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng.

Còn chỉ số giao dịch G2B đánh giá mức độ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các webiste của cơ quan nhà nước, sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động thương mại, tìm kiếm thông tin đấu thầu và khả năng trúng thầu thông qua các website của cơ quan Nhà nước… Top 5 gồm Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương.

Tổng hợp chung các tiêu chí kể trên thì nhóm 5 địa phương dẫn đầu là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. 3 địa phương kế tiếp gồm Thành phố Cần Thơ, Bình Dương và Bắc Ninh.

Năm 2012 là năm đầu tiên Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) xây dựng Chỉ số TMĐT (EBI) với mong muốn hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá được tình hình ứng dụng TMĐT trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trước đó, cũng có một số Sở Công Thương đã chủ động điều tra hiện trạng ứng dụng TMĐT tại địa phương nhưng không đều đặn hàng năm và không theo một phương pháp thống nhất nên kết quả điều tra chưa được phổ biến.

Tổng số có 3.193 doanh nghiệp đã tham gia cuộc điều tra, trong đó 11% là các doanh nghiệp quy mô lớn và 89% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Có tới 31% người trực tiếp trả lời phiếu khảo sát là cán bộ quản lí hoặc lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)