MacBook Air, một trong những mẫu notebook sử dụng ổ SSD hiện nay. Ảnh: AP.

Tỷ lệ notebook trang bị ổ SSD (ổ lưu trữ thể rắn tương tự như thẻ nhớ) bị khách hàng đem trả lại cửa hàng với lý do hỏng hóc, trục trặc hoặc hiệu suất kém chiếm tới 20-30% doanh số tiêu thụ. Thực tế này có thể khiến cho bất cứ nhà sản xuất máy tính nào cũng phải "kinh hoàng".

Thực tế mai mỉa

Những dòng notebook sử dụng ổ SSD luôn có giá thành "ngất ngưởng" và được quảng cáo rùm beng là "sản phẩm cao cấp", ấy thế nhưng có vẻ như "đắt đã không xắt ra miếng" trong trường hợp này.

Theo thống kê của hãng Avian Securities, có khoảng 10-20% số notebook SSD của những thương hiệu máy tính lớn đã bị người dùng "hắt hủi" vì liên tục bị treo, mất dữ liệu hoặc chạy chập chờn.

Trong khi ấy, tỷ lệ hoàn trả notebook sử dụng ổ đĩa cứng thông thường chỉ là 1-2% mà thôi.

"Thật không thể ngờ là tỷ lệ hỏng hóc, trục trặc của notebook SSD lại cao đến như thế. Việc nó cao gấp 20 lần so với laptop dùng đĩa cứng truyền thống buộc nhà sản xuất phải tự kiểm lại mình: Liệu họ đã thực sự làm chủ được công nghệ lưu trữ mới hay chưa?", Avian bình luận.

Số người dùng đem trả lại sản phẩm vì lý do hiệu suất kém, không đạt kỳ vọng và không tương xứng với giá thành cũng khá nhiều.

"Theo lời phàn nàn của khách hàng, notebook SSD không thể so bì được với laptop ổ cứng khi chạy những ứng dụng hạng nặng như video streaming hoặc biên tập video".

Cái "tát" trời giáng

Đây quả là một "cái tát" vào mặt nhà sản xuất, bởi trên lý thuyết, SSD phải đạt tốc độ nhanh hơn ít nhất là 20% so với ổ cứng.

Theo Avian, hầu như tất cả các hãng tham gia vào thị trường notebook SSD đều dính lỗi. Dell luôn là hãng quảng bá tích cực nhất cho ổ SSD, và mỉa mai thay, có vẻ như sản phẩm của hãng cũng bị trả lại nhiều nhất.

Đại diện của Dell từ chối tiết lộ tỷ lệ máy hỏng hoặc bị khách hàng trả lại, song thừa nhận đúng là SSD rất "kém phong độ" khi chạy những ứng dụng trao đổi dữ liệu kiểu như Microsoft Outlook.

Mặc dù vậy, Dell cũng cố vớt vát rằng những nhược điểm của SSD đang được khắc phục một cách "nhanh chóng và tích cực".

Lấy thí dụ, dung lượng lưu trữ đã tăng gấp đôi (từ 32GB lên 64GB) kể từ khi công nghệ này xuất xưởng đến nay. Theo kế hoạch, Samsung sẽ tung ra ổ SSD 256GB vào cuối năm 2008 này.

Bên cạnh đó, nếu như thế hệ SSD đầu tiên chỉ đạt tốc độ đọc dữ liệu tương đương ổ cứng 5400 vòng/phút thì tháng trước, Dell đã công bố ổ SSD siêu tốc mới với hiệu suất cao hơn tới 35%.

Quan trọng nhất, Dell cam kết giá thành ổ SSD siêu tốc ít nhất cũng không cao hơn các sản phẩm SSD hiện hành.

Triển vọng u ám cho ngành flash

Các hãng PC buồn lòng đã đành, ngay cả ngành công nghiệp sản xuất bộ nhớ flash cũng hoang mang không kém vì thông tin do Avian công bố.

Doanh số tiêu thụ của chip nhớ flash đã chậm lại đáng kể thời gian gần đây, và SSD được nhiều hãng (nhất là Samsung) kỳ vọng sẽ mở ra một kênh doanh thu mới khổng lồ.

So với chip nhớ flash thông thường, SSD lưu trữ được nhiều hơn hẳn, với dung lượng gần tương đương ổ cứng máy tính. Còn so với ổ cứng, SSD lại ưu việt hơn ở khả năng không bị mất dữ liệu trong trường hợp nguồn điện bị ngắt đột ngột.

Bên cạnh đó, laptop dùng ổ SSD chạy cũng rất êm - không hề tạo ra tiếng động ầm ĩ như laptop dùng ổ cứng truyền thống.

Mặc dù vậy, rào cản lớn nhất để SSD đến với thị trường đại trà chính là giá thành của nó. Với mức giá 200-300USD/ổ SSD, mỗi cỗ notebook trang bị công nghệ lưu trữ này phải có giá không dưới 900USD, trong khi hiệu suất và cấu hình chưa phải là mạnh.

"Thị trường chip nhớ flash đang lâm vào cảnh khủng hoảng thừa, cung vượt quá cầu. Hệ quả là giá bán liên tục giảm, thậm chí còn rẻ hơn cả giá thành sản xuất gốc", nhà phân tích Jim Handy của Objective Analysis cho biết.

(Theo Vietnamnet/CNET, PC World)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Đĩa flash có tốc độ đọc cực nhanh đúng rồi, người ta từng khởi động Windows trên đĩa SSD chỉ mất 6 giây ! Nhưng đĩa flash lại có nhược điểm rất khó chịu là nó chỉ thích hợp cho việc đọc chứ không phải để xóa/ghi.