Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2012 của Hà Nội tiếp tục lùi xuống vị trí thứ 10/63 tỉnh thành sau khi đã lùi từ hạng 3 năm 2010 xuống hạng 7 năm 2011 cho thấy mục tiêu "đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT-TT" của Hà Nội quá xa vời.
Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Index 2012) do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam (VAIP) thực hiện, Hà Nội tiếp tục "thụt lùi" về độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT.
Về hạ tầng CNTT-TT, Hà Nội không thể duy trì vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố của 2 năm về trước mà “rớt” thẳng xuống vị trí số 10, đứng sau TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bắc Ninh.
Về hạ tầng nhân lực, thứ hạng của Hà Nội đã cải thiện từ vị trí 32 của năm ngoái lên vị trí 13 năm nay. Tuy nhiên, so với TP.HCM và Đà Nẵng thì Hà Nội vẫn phải phấn đấu hơn rất nhiều, đặc biệt là về tỉ lệ cán bộ chuyên trách CNTT ((TP.HCM đạt 1,9, Đà Nẵng đạt 2,3, trong khi Hà Nội chỉ đạt 0,7) và tỉ lệ cán bộ chuyên trách an toàn thông tin (TP.HCM đạt 0,7, Đà Nẵng đạt 0,8, còn Hà Nội chỉ đạt 0,2).
Về xếp hạng môi trường - tổ chức - chính sách, Hà Nội tiếp tục lùi xuống vị trí 29 so với vị trí 20 năm 2011 và vị trí 18 năm 2010.
Chỉ số duy nhất Hà Nội được đánh giá cao là về xếp hạng sản xuất - kinh doanh CNTT, năm nay chỉ đứng sau Bắc Ninh, cao hơn cả TP.HCM và Đà Nẵng. Tỉ lệ doanh nghiệp CNTT/10.000 dân đạt 3,3; tỉ lệ nhân lực doanh nghiệp CNTT/10.000 dân đạt 108,96. Các tỉ lệ tương ứng của TP.HCM là 2,54 và 55,45; của Đà Nẵng là 11,84 - 157,79 (doanh thu của doanh nghiệp CNTT ở Đà Nẵng thấp hơn Hà Nội nên xếp hạng sản xuất – kinh doanh CNTT thấp hơn Hà Nội).
Hà Nội đã từng bị cảnh báo về chuyện bị tụt hạng trong Báo cáo Vietnam ICT Index 2011. Khi đó, một số lí do đã được đưa ra như Hà Nội mới sáp nhập thêm một số huyện, thị, lãnh đạo của Thành phố chưa quan tâm đúng mức và thiếu hiểu biết về CNTT-TT… Tuy nhiên, kết quả Vietnam ICT Index 2012 cho thấy Hà Nội vẫn chưa thể tìm được “chiếc phanh” để hãm đà lao dốc.
Mới đây, Hà Nội đã công bố Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu: “Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách”.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định Hà Nội không thiếu tiền đầu tư cho CNTT-TT (đề xuất kinh phí cho Chương trình mục tiêu kể trên lên tới 1.000 tỉ đồng).
Vấn đề cốt lõi giúp Hà Nội hãm đà lao dốc rồi “lội ngược dòng” giờ đây chính là quyết tâm chính trị và sự thay đổi nhận thức của các lãnh đạo, các cấp, ngành liên quan. Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về quyết tâm phát triển ứng dụng CNTT-TT thì mục tiêu “đứng đầu” này sẽ bất khả thi vào năm 2015.
Tỉ lệ điện thoại cố định/100 dân của Hà Nội mới đạt 15,13, trong khi TP.HCM đạt 21,31; Đà Nẵng - 31,33; Hải Phòng - 22,73; Bà Rịa Vũng Tàu - 20,44; Nghệ An - 16; Thừa Thiên Huế - 23,37; Quảng Ninh - 20,48; Bắc Ninh - 18.42.
Tỉ lệ điện thoại di động/100 dân của Hà Nội đạt 168,23, thấp hơn TP.HCM (187,94); Đà Nẵng (223.32); Hải Phòng (245,79); Bà Rịa Vũng Tàu (172,74); Thừa Thiên Huế (176,46); Quảng Ninh (169,89); Cần Thơ (197,25).
Tỉ lệ thuê bao Internet/100 dân của Hà Nội đạt 16,62, trong khi 2 đầu tàu kinh tế khác là TP.HCM đạt 46,08 (gần gấp 3 lần tỉ lệ của Hà Nội) và Đà Nẵng đạt 28,73.
Tỉ lệ thuê bao băng rộng/100 dân của Hà Nội đạt 10,32, thấp hơn rất nhiều so với TP.HCM (46,08); Bà Rịa Vũng Tàu (43,22); Đà Nẵng (28,73).
Tỉ lệ máy tính trong cơ quan Nhà nước có kết nối Internet của Hà Nội chỉ đạt 92,5%, trong khi TP.HCM, Đà Nẵng đều đã hoàn tất 100%.
Đặc biệt, trong phần xếp hạng về hạ tầng kĩ thuật, Hà Nội mới có 88,7% cơ quan Nhà nước kết nối mạng diện rộng WAN, trong khi cả 9 địa phương "đứng trên" Hà Nội đều đã đạt tỉ lệ 100%.
Theo ICTnews
Bình luận