Luôn vệ sinh mặt kính bảo vệ camera để có thể chụp những bức ảnh đẹp. Ảnh: Esato.

Để có thể chụp những khung hình đẹp bằng điện thoại, ngoài việc bảo đảm bề mặt ống kính phải thật sạch sẽ, thay đổi cách cầm máy, sử dụng flash đúng cách... người dùng còn phải tận dụng những chế độ chụp đặc biệt tích hợp trên điện thoại.

Với những mẹo được tổng hợp từ các trang CNET, Verizon Insider, PhonedogTelegram sau đây, bạn có thể nâng "trình" chụp ảnh bằng điện thoại của mình dễ dàng.

Vệ sinh mặt kính bảo vệ camera

Yếu tố tiên quyết để có được một bức ảnh long lanh khi chụp bằng smartphone là vệ sinh mặt kính bảo vệ của camera tích hợp, dù là camera trước hay sau. Hãy luôn nhớ vệ sinh mặt kính bảo vệ thật sạch khỏi dấu vân tay và bụi bặm để có thể chụp được những bức ảnh đẹp.

Thao tác vệ sinh mặt kính bên ngoài camera khá đơn giản, nhưng bạn cần tránh sử dụng những vật liệu có thể làm trầy xước mặt kính khi thao tác.

Đặt ứng dụng chụp ảnh ngay trên màn hình chính

Ảnh
Đặt biểu tượng ứng dụng camera trên màn hình khóa hay màn hình chính để truy cập nhanh hơn.

Bạn cũng nên đặt hẳn ứng dụng chụp ảnh tích hợp hoặc ứng dụng được cài đặt thêm ngay trên màn hình chính hay màn hình khóa của smartphone để giúp tiết kiệm thời gian tìm và khởi chạy ứng dụng, không làm lỡ những khoảnh khắc quý giá.

Thay đổi góc chụp và cách cầm smartphone

Ảnh
Thay đổi góc chụp để có những khung hình sáng tạo hơn. Ảnh: Cnet.

Đa phần người dùng chụp ảnh bằng điện thoại đều đặt máy theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang và chụp ở tư thế ngồi hay đứng. Những tư thế truyền thống này thực sự nhàm chán và thiếu tính sáng tạo.

Hãy thử hạ thấp người xuống, chọn một vị trí cao hơn hay đơn giản là xoay nghiêng điện thoại một góc nhỏ - có thể bạn sẽ tạo ra những góc nhìn hấp dẫn, mang lại cảm giác thoải mái hơn cho người xem.

Sử dụng ánh sáng tự nhiên

Ảnh
Ảnh chụp sử dụng ứng dụng camera tích hợp trông tối hơn nhiều khi đo sáng vào vùng sáng trên khung hình. Ảnh: Quỳnh Lâm.

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố rất quan trọng có tính chất quyết định và dĩ nhiên điều này cũng không ngoại lệ với những “nhiếp ảnh gia” sử dụng điện thoại di động.

Một khi đã chụp ảnh bằng điện thoại, hãy chú ý tới ánh sáng của môi trường xung quanh. Nên tránh những môi trường tối, vì đa phần smartphone đều được trang bị cảm biến nhỏ, tốc độ chụp hạn chế, flash tích hợp có tầm ảnh hưởng ngắn và khả năng khử nhiễu kém nên người dùng hầu như không có lựa chọn để “thêm ánh sáng” cho bức ảnh cần chụp như phơi sáng trên máy ảnh chuyên dụng.

Cơ bản, hãy luôn chọn hướng chụp sao cho nguồn sáng đến từ phía sau bạn. Hầu hết các smartphone đều tự động chỉnh khẩu độ theo vùng lấy nét của người chụp. Nghĩa là nếu lấy nét vào những vùng sáng trong khung hình, ảnh sẽ có khuynh hướng tối hơn.

Ảnh
Ảnh chụp sử dụng ứng dụng camera tích hợp trông quá sáng khi đo sáng vào vùng tối trên khung hình. Ảnh: Quỳnh Lâm.

Trên các máy chạy hệ điều hành iOS, một số ứng dụng như ProCamera hay Camera+ có thể tách biệt vùng đo sáng và vùng lấy nét của camera, cho phép người chụp đo sáng vào cùng tối nhưng vẫn không làm khung hình trông quá sáng hay ngược lại.

Không dùng zoom số

Mỗi camera tích hợp đều có một khoảng cách lấy nét xác định nên việc tiến đến quá gần chủ thể cần chụp có thể làm bức ảnh bị mất nét. Ngược lại, với những tình huống có chủ thể ở xa, bạn đừng bao giờ sử dụng tính năng zoom trên thiết bị - vì hầu hết các smartphone chỉ hỗ trợ tính năng zoom kĩ thuật số mà thôi. Để “tập trung” vào mẫu chụp, cách đơn giản nhất là hãy di chuyển đến gần mẫu hn thay vì dùng zoom số của máy ảnh.

Tránh bố cục nhàm chán

Ảnh
Tránh bố cục mẫu ở trung tâm ảnh. Ảnh: Verizoninsider.

Với thể loại ảnh chân dung, việc đặt mẫu ở giữa khung hình được xem là bố cục nhàm chán nhất. Để tránh điều này, bạn chỉ cần di chuyển camera về bên phải hoặc trái sao cho mẫu chụp nằm ngoài tâm ảnh là được.

Để có thể vừa chụp được chân dung vừa lấy được hậu cảnh phía sau, chỉnh bố cục sao cho phong cảnh cần lấy nằm trọn trong khung hình trước rồi thu ngắn khoảng cách giữa mẫu với camera là xong.

Sử dụng flash tích hợp khi chụp ngược sáng

Ảnh
Những cảnh chụp ngược sáng không sử dụng đình flash sẽ làm đối tượng bị tối. Ảnh: Quỳnh Lâm.

Như đã nói ở trên, chụp ảnh bằng điện thoại với nguồn sáng đến từ phía sau là một lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không thể áp dụng cách chụp này như mẫu bị ngược sáng hay đổ bóng quá nhiều.

Để giải quyết, bắt buộc bạn phải dùng đèn flash (nếu smartphone được trang bị sẵn). Với khoảng cách thích hợp, ánh sáng từ đèn flash cũng có thể làm giảm hiện tượng đổ bóng trên khuôn mặt khi chụp dưới trời nắng gắt cũng như làm sáng “mẫu” hơn trong những cảnh chụp ngược sáng.

Tắt flash khi chụp cận cảnh

Ảnh
Không dùng flash khi chụp cận cảnh. Ảnh: Phonedog.

Với thể loại ảnh macro, bạn nên tắt đèn flash tích hợp vì trong thể loại này, khoảng cách từ camera đến đối tượng cần chụp thường rất ngắn, việc đánh đèn trực tiếp có thể làm chủ thể quá sáng và mất chi tiết.

Tốt nhất nên sử dụng chế độ macro nếu smartphone có tích hợp sẵn tính năng này. Bên cạnh đó, khoảng cách từ mẫu chụp đến máy cũng là một yếu tố rất quan trọng để tránh tình trạng ảnh bị "out" nét. Nếu chọn cách chụp hình bằng nút cảm ứng, hãy chú ý chạm thật nhẹ để tránh tình trạng nhòe hình.

Sử dụng chế độ chụp HDR

Ảnh
Ảnh chụp sử dụng HDR (bên phải) cho bầu trời đẹp hơn. Ảnh: Phonedog.

HDR (High Dynamic Range) là thuật ngữ dùng để mô tả những cảnh chụp mà trong cùng một khung hình có nhiều vùng ảnh rất sáng và rất tối khác nhau. Một khi tính năng này được kích hoạt, smartphone sẽ chụp liên tiếp nhiều ảnh, gồm một ảnh đủ sáng, một ảnh thiếu và một ảnh dư sáng rồi ghép chúng lại thành một tấm duy nhất.

Với chế độ chụp HDR, những khung hình có độ tương phản cao khi được chụp từ smartphone vẫn có độ chi tiết cao và màu sắc trông tự nhiên hơn. Tuy vậy, khi sử dụng chế độ này, người chụp cần giữ chặt máy để tránh hiện tượng nhòe hình.

Sử dụng chế độ panorama cho ảnh phong cảnh

Ảnh
Hãy cắt ảnh để có được một bức ảnh panorama ưng ý. Ảnh: Phonedog.

Đa phần smartphone hiện nay đều được trang bị ống kính góc rộng 24 mm hoặc 30 mm. Vì vậy, cách đơn giản để có thể chụp những ảnh phong cảnh rộng lớn là hãy lùi lại một vài bước và kết hợp với chế độ chụp HDR (nếu có). Tuy nhiên, với những khung cảnh không cho phép bạn di chuyển nhiều, hãy sử dụng chế độ chụp ghép cảnh panorama để có được một khung cảnh rộng lớn hơn.

Hiện tại, những smartphone mới nhất sử dụng hệ điều hành Android 4.2 và iOS 6 đều đã thêm tính năng chụp toàn cảnh vào ứng dụng chụp ảnh mặc định. Nếu thiết bị của bạn không hỗ trợ, có thể sử dụng các phần mềm như Panorama – 360, Photaf Panorama cho Android hay 360 Panorama, Panorama Free cho các thiết bị iOS phiên bản thấp hơn iOS 6.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)