Surface được giới công nghệ xem là lần trở lại đầy ngoạn mục và không kém phần liều lĩnh của hãng Microsoft - Ảnh: Reuters.

2012 là một năm hết sức sôi động của thị trường máy tính bảng (tablet) với sự xuất hiện hàng loạt sản phẩm mang tính đột phá, từ kiểu dáng, tính năng cho đến giá thành.

Theo giới phân tích, trong năm 2013, thị trường máy tính bảng sẽ thêm phần "nóng bỏng" khi mà các hãng sản xuất không dại gì ngồi yên để xem các đối thủ của mình "làm mưa làm gió".

Từ giữa năm 2012, thị trường máy tính bảng đã một phen dậy sóng khi hãng phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft bất ngờ quay trở lại ngành sản xuất phần cứng sau nhiều năm vắng bóng với dòng máy tính bảng riêng chạy Windows 8 là Surface.

Trong khi đó, thừa thắng xông lên với thành công ngoài sức tưởng tượng của chiếc Kindle Fire thế hệ thứ 1, đầu tháng 9/2012, hãng Amazon tiếp tục ra mắt dòng máy tính bảng Kindle Fire HD với hai tùy chọn kích thước màn hình 7 inch và 8,9 inch. Với dòng sản phẩm này, một lần nữa Amazon chính thức tuyên chiến với Apple trong phân khúc máy tính bảng cỡ nhỏ.

Không lâu sau đó, đến tháng 10/2012, chiếc iPad thế hệ thứ 4 (màn hình 9,7 inch) và mẫu iPad Mini với màn hình 7,9 inch cũng được Apple trình làng trong sự nô nức chờ đợi của đông đảo khách hàng hâm mộ các sản phẩm mang logo hình quả táo.

Tuy nhiên, "cú sét" được cho là bất ngờ và uy lực lại đến từ gã khổng lồ tìm kiếm Google khi hôm 29/10, hãng này ra mắt mẫu máy tính bảng Nexus 10 với màn hình 10,055 inch, độ phân giải cực kì sắc nét, lên đến 2.560 x 1.500 pixel cùng mật độ điểm ảnh là 300 ppi.

Trước đó, vào tháng 6/2012, Google và đối tác Asus cũng đã khiến giới công nghệ sửng sốt khi công bố dòng máy tính bảng Nexus 7 với màn hình 7 inch và bộ xử lí lõi tứ Tegra 3. Vào thời điểm đó, dường như Nexus 7 đã khiến Apple và các hãng sản xuất tên tuổi khác - trong đó có Samsung - đứng ngồi không yên bởi sản phẩm này có mức giá quá ư hấp dẫn 199 USD và đặc biệt là sở hữu bộ xử lí lõi tứ.

Ba tiêu chí mới

Theo một bài tổng hợp trên Cnet hồi đầu tháng 12/2012, trong năm 2013, máy tính bảng sẽ đi theo ba xu hướng chính, đó là tăng cường độ phân giải màn hình (hay nói chính xác là mật độ điểm ảnh), tối ưu tốc độ VXL và quan trọng hơn hết là giá thành ngày một giảm.

Cụ thể, trong năm 2012, hai sản phẩm Kindle Fire và Nexus 7 với mức giá 199 USD đã thực sự đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đồng thời gửi đến các hãng sản xuất khác thông điệp là hãy tạo ra những sản phẩm có cấu hình mạnh, giá thành rẻ trong một kiểu dáng được thiết kế tốt.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hai mẫu sản phẩm Nook HD (giá 199 USD) và Nook HD+ (giá 299 USD) của Barnes & Noble cũng phần nào mang đến cho khách hàng những lựa chọn mới.

Ảnh
Nexus 7 với giá 199 USD đang thực sự là đối thủ đáng gờm cho nhiều dòng máy tính bảng khác - Ảnh: Reuters.

Cũng theo Cnet, với những sản phẩm như thế (tức Kindle Fire và Nexus 7), hầu hết các hãng sản xuất đã nhận ra rằng họ không thể tiếp tục tung ra thị trường những mẫu máy tính bảng có cấu hình tầm trung với giá thành trên mức 500 USD và đặt kì vọng tiêu thụ được chúng.

Hay nói cách khác, trong năm tới, ở cùng một phân khúc (kích thước màn hình), sự cạnh tranh về giá giữa các dòng sản phẩm chắc chắn sẽ trở nên hết sức khốc liệt.

Quay trở lại với tiêu chí chất lượng hiển thị của màn hình, cũng giống những gì đang diễn ra trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone), thị trường máy tính bảng trong năm 2013 được dự báo sẽ đón nhận hàng loạt cải tiến mới trong công nghệ màn hình và độ phân giải.

Giới công nghệ dự báo rằng, từ đầu năm sau, người dùng sẽ khó lòng tìm được một sản phẩm máy tính bảng màn hình 7 inch mới với độ phân giải dưới mức 1.280 x 800 pixel, thay vào đó là con số tối thiểu ở mức 1.920 x 1.200 pixel.

Về kích thước màn hình, dường như mức 7 inch và 10 inch đã mặc nhiên tương ứng trở thành cận dưới và cận trên cho hãng sản xuất. Bởi lẽ, nếu giảm tiếp tục kích thước xuống dưới mức 7 inch thì một máy tính bảng chẳng khác gì một chiếc điện thoại thông minh, và ngược lại, nếu sở hữu màn hình trên mức 10 inch thì quả thật là rất khó để gọi một chiếc máy tính xách tay "cỡ nhỏ" là máy tính bảng.

Bên cạnh đó, các hãng sản xuất cũng sẽ mang đến thị trường vài dòng máy tính bảng có khả năng "biến hình" thành máy tính xách tay bằng cách trang bị thêm bộ phụ kiện bàn phím gắn ngoài (keyboard docking).

Dẫu thế, trong thế giới thiết bị điện tử cầm tay nói chung và máy tính bảng nói riêng, xu hướng luôn thay đổi, và không ai khác chính người dùng là những người tạo ra "nhu cầu về công nghệ".

Ảnh
Máy tính bảng iPad Mini - Ảnh: AFP.

Lẽ dĩ nhiên, công nghệ và xu hướng luôn đồng hành với nhau, còn các hãng sản xuất chỉ đơn thuần là người nắm bắt chúng, và làm thỏa mãn những đòi hỏi từ phía khách hàng/người dùng thông qua các giải pháp kĩ thuật, công nghệ.

Và cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó chính là hiệu năng bộ xử lí của các mẫu máy tính bảng trong tương lai. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng máy tính bảng được trang bị bộ xử lí lõi tứ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Về tốc độ, ngôi vị bộ xử lí nhanh nhất dành cho nền tảng Android hiện thuộc về VXL lõi kép Samsung Exynos 5250 1,7 GHz (nhân Cortex A15) trên máy tính bảng Nexus 10. Trong khi đó, chiếc iPad thế hệ thứ 4 của Apple sử dụng VXL A6X có hiệu năng cao gấp đôi so với iPad thế hệ thứ 3.

Chưa dừng lại ở đó, hôm 24/12, hàng loạt trang tin công nghệ đã kháo nhau việc Apple đang chuẩn bị trình làng mẫu iPad 9,7 inch thế hệ thứ 5 mới trong vài tháng tới. Đặc biệt, sản phẩm này được tường thuật sẽ thừa hưởng nhiều phong cách thiết kế của người anh em "cỡ nhỏ" iPad Mini.

Theo TNO




Bình luận

  • TTCN (0)