Việc nhập khẩu qua đường biển sẽ gây khó trong quản lý chất lượng. Ảnh: H.P.

Quy định bắt buộc điện thoại di động về Việt Nam phải đi qua 3 cảng biển tại Hải Phòng, TPHCM và Đà Nẵng hiện vẫn đang khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó.

Từ năm 2011, nhằm “hạn chế hàng lậu, kém chất lượng, gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng”, Bộ Công thương đã ra Thông báo 197 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011) quy định mặt hàng điện thoại di động (cùng mĩ phẩm và rượu ngoại) sẽ chỉ được phép nhập khẩu về Việt Nam qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng.

Cùng đó, Thông báo cũng đặt ra nhiều điều kiện khác như khi nhập khẩu doanh nghiệp phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhập khẩu của chính hãng sản xuất, các giấy tờ phải được lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm Thông báo 197 có hiệu lực, một số doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại di động trong nước đã nhanh chóng tỏ ra lo ngại. Trong đó, lo ngại hơn cả là những công ty quy mô nhỏ hoặc doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại số lượng ít.

Tại Tọa đàm Triển vọng viễn thông năm 2013 do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT vừa tổ chức tại Hà Nội hôm 27/12, một lần nữa vấn đề này lại được doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại khẳng định đang có nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Sơn Hải – Phó trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone nhấn mạnh quan điểm không hiểu tại sao cho đến nay mặt hàng điện thoại vẫn phải đi qua đường biển, trong khi đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Cụ thể như với việc kinh doanh các sản phẩm iPhone chính hãng của doanh nghiệp này, VinaPhone gặp khó do đây là sản phẩm công nghệ cao, đòi hỏi cần được bảo quản kĩ lưỡng, vận chuyển nhanh chóng thì lại phải nhập khẩu bằng đường biển với thời gian vận chuyển và lưu kho bãi lâu, gây nhiều rắc rối.

Theo một doanh nghiệp khác, dù việc vận chuyển qua đường biển không tốn kém về mặt tiền bạc nhiều so với đường hàng không, tuy nhiên việc yêu cầu phải có thêm giấy xác nhận của đại diện ngoại giao Việt Namở nước ngoài, thủ tục kéo dài hơn.

Trước thực trạng gặp khó nói trên, ông Nguyễn Sơn Hải bày tỏ các cơ quan như Bộ TT&TT, Bộ Công thương… cần sớm xem xét lại quy định này để gỡ khó cho các doanh nghiệp, đảm bảo sức cạnh tranh thị trường.

Đáng chú ý, mới đây, hồi tháng 8/2012 Tổng cục Hải quan đã có động thái đề nghị Bộ Tài chính nên hủy các quy định siết nhập khẩu điện thoại di động (cùng mĩ phẩm, rượu ngoại) để tránh độc quyền, kích cầu thị trường.

Phía Tổng cục Hải quan cho rằng khi hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trên dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và hạn chế việc chống gian lận thương mại, buôn lậu trốn thuế (ví dụ, trong thời gian qua mặt hàng như mĩ phẩm khi buộc phải nhập bằng đường biển đã bị giảm chất lượng đáng kể).

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, việc nới lỏng các chính sách xuất nhập khẩu cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng sẽ góp phần kích cầu đầu tư tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)