Vừa chật vật bước qua năm 2012 với bức tranh thị trường ảm đạm do kinh tế khó khăn, sức mua yếu, thế nhưng không ít doanh nghiệp điện tử, điện máy vẫn bày tỏ tham vọng mở thêm siêu thị, “đè bẹp” đối thủ yếu hơn ngay trong năm 2013.
Thị trường liên tục ảm đạm
Theo đánh giá của giới kinh doanh, ngành hàng điện tử, điện máy trong năm 2012 tại thị trường Việt Nam hầu hết đều phủ "màu xám" khi không ít siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ thường xuyên rơi vào tình cảnh vắng khách, ế ẩm.
Công ty GFK Việt Nam đánh giá, trong năm 2012 tốc độ tăng trưởng của thị trường điện tử tại Việt Nam lần đầu tiên có xu hướng giảm trong suốt 5 - 6 năm qua. Còn Hãng tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) cũng đã đánh giá năm 2012 Việt Nam không còn nằm trong danh mục xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Trao đổi với BĐVN, ông Trần Xuân Kiên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh nhấn mạnh 2012 là năm rất khó khăn, đặc biệt từ tháng 9 trở đi.
Theo tìm hiểu của BĐVN, trong năm qua, hàng loạt tên tuổi như Nguyễn Kim, Best Carings, Pico, Media Mart… hoặc phải chấm dứt mô hình kinh doanh, hoặc phải thu hẹp diện tích để thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh thực tế. Thậm chí, có doanh nghiệp đã phải đi đến bước đường cùng phá sản.
Cụ thể, chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24G của Nguyễn Kim tại TP.HCM đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn khai trương; tại Hà Nội Media Mart bỏ điểm bán ở Nguyễn Chí Thanh, Việt Long đóng cửa siêu thị tại Hà Đông. Còn Best Carings, thương hiệu này đã đóng cửa các siêu thị tại TP.HCM và Hà Nội, trong đó có cả siêu thị mới nhất tại Vincom Long Biên từ tháng 11/2012...
Đánh giá của giới kinh doanh cho thấy, trước tình trạng kinh doanh khó khăn trong năm 2012, chưa khi nào các doanh nghiệp, siêu thị điện tử, điện máy lại phải “căng thẳng”, liên tục đánh giá nhu cầu thị trường, cải thiện chính sách kinh doanh và hướng phát triển mới để nhằm mục tiêu đầu tiên là giữ nổi thị phần.
Như từ tháng 4/2012 hệ thống bán lẻ Viễn thông A mở mô hình Trung tâm smartphone cho phép khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua; hệ thống siêu thị điện máy HC sau vài năm sử dụng website có cái tên dài và khó nhớ “hchomecenter.com.vn” đã quyết định đổi thành “hc.com.vn” vào giữa tháng 12/2012…
Cũng đáng chú ý, nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng ở các địa phương lân cận, nhiều siêu thị lớn đã tăng khoảng cách vận chuyển hàng miễn phí lên tới hàng trăm km; tung chương trình khuyến mãi bằng cam kết để tạo lòng tin như “Không giờ vàng”, “Không bốc thăm”…
Và dù như vậy, nhưng ngay trong năm khó khăn 2012 một số doanh nghiệp vẫn quyết liệt mở thêm siêu thị để giành thị phần từ đối thủ. Dienmay.com đã phát triển thêm 5 siêu thị, nâng con số lên đến 12 tại khu vực phía Nam; Trần Anh (Hà Nội) trong tháng 8 đã khai trương siêu thị điện máy thứ 4 tại đường Đại Cồ Việt; Media Mart cũng mới khai trương siêu thị thứ 6 tại Mỹ Đình, Top Care mở siêu thị ở Mê Linh Plaza (Hà Đông); Pico mở thêm trung tâm thương mại với siêu thị điện máy tại đường Cộng Hòa (TP.HCM)…
Vẫn có “cơ” bứt phá
Nhận định về bức tranh thị trường điện tử, điện máy trong năm 2013, trao đổi với phóng viên BĐVN, một số doanh nghiệp như Trần Anh, Dienmay.com, FPT Retail… đều bày tỏ sự quan ngại về mạch thị trường nhiều khả năng sẽ gặp thách thức lớn hơn. Ông Trần Xuân Kiên dự kiến trong năm 2013 sẽ còn tệ hơn 2012, và phải đến giữa năm 2014 thị trường điện tử, điện máy mới có sự hồi phục dần dần. Và ông Đinh Anh Huân – Tổng Giám đốc Dienmay.com cũng chung quan điểm.
Đánh giá của giới kinh doanh cho thấy, đặt trong tình cảnh khó khăn nói trên thì đó cũng là lúc lợi thế đang nghiêng mạnh về các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, đẩy chuyện cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và rất có thể ngay trong năm 2013 một số siêu thị nhỏ sớm bật bãi, đánh mất thị phần vào tay doanh nghiệp lớn.
“Các siêu thị nhỏ vốn khó khăn hiện còn gặp bất lợi đủ đường. Ngay như trong việc nhận hỗ trợ từ hãng bán sản phẩm, nếu như thời gian trước các hãng khi chạy chương trình khuyến mãi đều tính không quá chênh lệch cho các siêu thị. Tuy nhiên hiện nay chủ yếu ưu tiên cho các điểm lớn, kinh doanh hiệu quả. Chính vì thế, việc cạnh tranh thu hút khách hàng của các doanh nghiệp nhỏ càng thêm khó khăn chồng chất”, đại diện một siêu thị tại Hà Nội cho hay.
Giới phân tích cũng cho rằng, dù thực tế thị trường còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay lại đang là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực do giá thuê mặt bằng thấp (hiện chỉ ở mức trên 10 USD/m2/tháng, trong khi trước đây phải 25 – 30 USD, việc tìm kiếm địa điểm hàng nghìn m2 cũng chỉ mất khoảng 3 tháng thay vì cả năm trời như trước), được sự hậu thuẫn từ các hãng công nghệ, biết thực thi việc tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, vận hành hiệu quả nhờ áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp…
Ông Phạm Thành Đức – Tổng Giám đốc FPT Retail cho rằng cơ hội đang thuộc về doanh nghiệp có chiến lược đúng đắn, hệ thống bán lẻ đa kênh (tại shop, qua điện thoại, trực tuyến, qua đối tác…), tiềm lực tài chính mạnh...
Đáng chú ý, thị trường điện máy năm 2013 được đánh giá là vẫn có một số tia hi vọng. Theo như dự báo của GFK đưa ra đầu tháng 12/2012, dù trong năm 2013 ngành hàng điện máy còn khó khăn nhưng vẫn có một số mặt hàng ngách tăng trưởng tốt như thiết bị điện tử gia dụng có tốc độ tăng trưởng 10-15%, riêng smartphone có thể đạt mức trên 100%.
Trước thực tế nói trên, chia sẻ với phóng viên BĐVN về dự định cho năm 2013, một số doanh nghiệp khẳng định với tiềm lực đang có, họ vẫn đang trên đà mở rộng thị trường, tiếp tục tìm kiếm mặt bằng để mở điểm kinh doanh theo lộ trình. Đại diện Trần Anh cho hay ngoài 4 siêu thị đã có thì hiện nay doanh nghiệp này đang gấp rút mở thêm 3 điểm khác đặt tại quận Thanh Xuân, quận Ba Đình và huyện Từ Liêm trong năm 2013.
Còn theo ông Phạm Thành Đức, dự kiến đến cuối năm 2013 FPT Retail sẽ chạm mốc 100 cửa hàng trên toàn quốc qua việc phát triển mới ít nhất 50 cửa hàng thuộc hệ thống FPT Shop và 5 cửa hàng thuộc hệ thống F.Studio, F.Store bi FPT; và đến năm 2014 phấn đấu đạt mốc 150 cửa hàng trong cả nước.
Theo ICTnews
Bình luận