IBM tại Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia cùng giành vị trí dẫn đầu xét theo tổng doanh thu máy chủ Q3/2012.

Cuối tháng 12/2012, IBM Việt Nam đã công bố trong Q3/2012, công ty đã giành lại vị thế dẫn đầu thị trường máy chủ tại Việt Nam, với thị phần xét theo doanh thu tại Việt Nam là 38,9%, cao hơn 2,6 điểm thị phần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất, căn cứ trên đánh giá của IDC.

IBM Việt Nam còn nắm giữ vị trí dẫn đầu trong thị trường lưu trữ đĩa ngoài, với thị phần xét theo doanh thu ở mức 36,8%, cao hơn 15,5 điểm thị phần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất.

Tính tỉ lệ thị phần xét theo doanh thu, số liệu cụ thể trong báo cáo phân tích của IDC, IBM là nhà cung cấp số 1 trong các phân khúc thị trường máy chủ sau đây tại Việt Nam trong Q3/2012: Phân khúc thị trường máy chủ doanh nghiệp cao cấp (có giá từ 250 nghìn USD trở lên) với 71,1% thị phần; Phân khúc thị trường máy chủ RISC và EPIC với 68,9%; Phân khúc thị trường Máy chủ Unix không dựa trên kiến trúc x86 (Non-x86) với 68,9% thị phần.

Cũng theo IDC, IBM giành lại vị thế dẫn đầu trong thị trường máy chủ có mức độ cạnh tranh cao tại khu vực ASEAN với 34,2% thị phần xét theo doanh thu, cao hơn 1,3 điểm thị phần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất. Cụ thể: Phân khúc thị trường máy chủ doanh nghiệp cao cấp (có giá từ 250 nghìn USD trở lên), với 77,7% thị phần xét theo doanh thu; Phân khúc thị trường máy chủ RISC/EPIC với 54,7% thị phần; Phân khúc thị trường máy chủ Unix không dựa trên kiến trúc x86 (Non-x86) với 57,8% thị phần.

Trong Q3/2012, IBM vẫn tiếp tục tập trung vào các hệ thống Điện toán Thông minh hơn, nhằm mục tiêu giải quyết những thách thức ngày càng lớn mà các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải, từ các lỗ hổng an ninh mạng cho tới quản lí những khối lượng dữ liệu lớn.

Với các hệ thống Điện toán Thông minh hơn, các doanh nghiệp có thể sẵn sàng hỗ trợ các yêu cầu tương lai ngay ở thời điểm hiện tại bằng một cơ sở hạ tầng có thể giúp họ làm chủ được dữ liệu khổng lồ, mạng xã hội, các thiết bị di động, công nghệ phân tích kinh doanh và nhiều luồng thông tin quan trọng. Cơ sở hạ tầng này có thể dễ dàng mở rộng và rất linh hoạt nhờ sử dụng các mẫu kiến thức chuyên gia (patterns of expertise) để dự báo những nhu cầu sắp tới. Đồng thời, công nghệ này giúp người dùng ra những quyết định chính xác ở thời điểm hiện tại trong khi luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tương lai.

“Các hệ thống tích hợp mới được công bố gần đây của chúng tôi kế thừa những thế mạnh của IBM trong những lĩnh vực quan trọng như xử lí dữ liệu khổng lồ, tích hợp công nghệ phân tích kinh doanh, các hệ thống được tối ưu hóa và điện toán đám mây để đổi mới các cơ sở hạ tầng CNTT, giúp chúng trở nên thông minh hơn”, ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Bộ phận Hệ thống và Công nghệ, IBM Việt Nam cho biết.

Sự khẳng định vị thế dẫn đầu của IBM tại khu vực ASEAN nói chung và tại Việt Nam nói riêng cho thấy sự đón nhận từ thị trường với những công bố mới đây của IBM trong chiến lược Điện toán Thông minh hơn. Những hợp đồng lớn với các tổ chức, doanh nghiệp mà IBM mới kí kết hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chính phủ, viễn thông, dầu khí và khí đốt... nhằm đổi mới kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo ICTPress



Bình luận

  • TTCN (0)