Một số trang báo điện tử thu hút bạn đọc hiện nay.

Ngày 6/2/1997, Tạp chí Quê Hương lên mạng toàn cầu. Nếu coi đây là ngày "khai sinh" báo điện tử Việt Nam thì 10 năm không phải là thời gian ngắn. Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cũng là lúc cần nhìn lại chặng đường 10 năm của một loại hình báo chí mới: Báo điện tử...

Từ làm báo kiểu copy - paste...

Sau khi tờ Quê Hương lên mạng, lần lượt Báo Nhân Dân và Báo Lao Động (19/5/1999) cũng trực tuyến. Giai đoạn 1997 - 2001, "báo điện tử" Việt Nam chỉ dừng ở phiên bản điện tử của báo in. Công việc của người làm báo điện tử bấy giờ đơn thuần lắm. Quy trình đưa tin lên mạng gói gọn trong hai từ "copy - paste" (cắt - dán).

Mỗi sáng, các kỹ thuật viên - biên tập viên (nói là biên tập cho oai chứ 99% công việc là cắt - dán) thuần thục với việc bóc tách, xử lý dữ liệu, cắt - dán, dàn trang trên phần mềm Frontpage (sau này là Dreamwaver) rồi đẩy lên mạng. Đến chiều, để cho có việc làm, một quy trình khác được lập ra: Chọn bài từ báo khác - đánh máy và... lại "copy - paste".

Ở thời điểm ấy, báo điện tử sang lắm, nhìn quanh, nhìn quẩn chỉ có 3 tờ nên việc "copy  -paste" cái không phải của mình không đơn giản như bây giờ vì phải thêm cái công đoạn typing (đánh máy). Nhưng được cái, người làm báo điện tử dạo ấy "khái tính" lắm, không lấy của người làm của mình nên để riêng các bài typing ấy vào một góc, đặt tên là "Đọc báo giùm bạn".

Năm 2001, VnExpress ra đời đánh dấu một bước chuyển lớn trong làng báo điện tử Việt Nam. "Copy - paste" là định hướng của trang tin này và ban đầu tuyệt đại nội dung của nó được "copy - paste" từ các báo, tạp chí in khác. "Nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả, nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất, thì nó không những nhanh tương đương thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ. Đó chính là tốc độ cập nhật." - một trong những người sáng lập trang tin này phân tích về tốc độ cập nhật.

Thành công của trang tin điện tử này (sau này là một số trang khác như TintucVietnam, 24h.com.vn...) gói gọn trong một từ THEO. Cái từ nhỏ bé, đặt mãi ở cuối bài hay khéo léo chèn trong bài viết đã tiết kiệm cho những người lập nên các trang tin này khoản chi phí khổng lồ trong việc sản xuất nội dung thông tin. Thay vì phải trả lương, công tác phí, nhuận bút... để có được một đội ngũ phóng viên, cộng tác viên cung cấp thông tin cho trang tin, một nhóm biên tập được thành lập với công việc chính là "copy - paste".

Đỉnh cao của kiểu làm báo "copy - paste" có lẽ là năm 2003 với thành công nhanh chóng và bất ngờ của trang tintucvietnam.com (tiền thân của trang dantri.com.vn bây giờ). Với sự phát triển của công nghệ, phần lớn các tờ báo ngày đã có website và kiểu "copy - paste" cũng thay đổi một cách đáng kể. Các lập trình viên đã thành công trong việc tạo ra cỗ máy giúp "hút tin" từ các website khác. Và hấp... tin được đăng lại chỉ sau vài phút tin gốc được phát đi. Giống như VnExpress.net, từ con số 0 tròn trĩnh, chỉ sau một thời gian ngắn, tintucvietnam.com đã vươn lên vị trí cạnh tranh với những trang tin có lượng truy cập lớn như VnExpress hay Vietnamnet.

Đến làm báo kiểu... vẫn là "copy - paste"

Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của các báo điện tử nói chung và đặc biệt là các trang tin điện tử thuần tuý (không có báo giấy) vì sự nghiệp phát triển báo chí Việt Nam. Dựa vào cơ chế mở của doanh nghiệp và nền tảng công nghệ mạnh, đội ngũ làm báo của các trang tin điện tử thuần tuý đã tiên phong trong việc khai thác các thế mạnh của Internet.

Tường thuật trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến đã được các tờ báo mạng triển khai rất thành công. Thông tin đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh) đã được nhiều báo điện tử tích hợp, cung cấp thêm những kênh thông tin mới cho bạn đọc. Bên cạnh đó, các báo điện tử không có báo in đã từng bước tăng cường số lượng tin bài "không copy - paste" từ báo khác. Các sự kiện, vấn đề "nóng" được các báo điện tử ráo riết săn và đeo bám, cập nhật cho bạn đọc thông tin theo từng giờ, từng phút.

Tuy vậy, một thực tế cho đến hiện nay là việc sử dụng lại tràn lan tin bài giữa các báo điện tử. Ngay cả những báo điện tử có số lượng người truy cập đông nhất, tác nghiệp theo kiểu "copy - paste" vẫn là một việc quan trọng.

Các báo giấy có phiên bản điện tử, sau một thời gian dài "khái tính" đã bị cuốn vào cái dòng tác nghiệp kiểu "copy - paste" những mong giữ được lượng bạn đọc của toà soạn. Đối với những tin được toà soạn báo giấy đánh giá là "độc quyền" đều được "cất đi" chờ báo giấy, vì e ngại sẽ bị các trang tin khác vô tư "copy - paste".

Xem ra cái dòng xoáy "copy - paste" đã trở thành một phong trào từ bao giờ, từ ngày làng báo điện tử Việt Nam còn sơ khai. Dòng xoáy này đang ngày càng mạnh khi không ai muốn ngăn nó lại. Và cũng bởi hành lang pháp lý lỏng lẻo, bạn đọc báo điện tử không mấy quan tâm đến bản quyền tác phẩm báo chí, có những tờ báo phát triển với định hướng "copy - paste" vẫn đang rất đàng hoàng...

Số lượng tin, bài được làm theo "phong cách" copy - paste

  • Tổng số bài (cả gốc và đăng lại): 209 219
  • Tổng số bài gốc không được/bị đăng lại: 122 448
  • Tổng số bài gốc được/bị đăng lại: 22 739
  • Tổng số bài đăng lại: 64 032
  • Tỉ lệ "nhân bản" trung bình: 2,81
  • Kỷ lục một bài được/bị đăng lại: 20 lần

(Nguồn baomoi.com, thống kê từ 60 trang báo điện tử Việt Nam trong thời gian 8/3/2007 - 12/6/2007)

(theo Lao động)




Bình luận

  • TTCN (2)
Nemo Nguyen  21665

Hic, cái này hơi khó nghen Big Grin

Hải Nam  30903

Vừa rồi 5 tờ báo lớn kí kết thỏa thuận để có thể được phép đăng bài của nhau thoải mái. Các báo khác muốn "copy-paste" thì phải xin phép và có thể phải trả nhuận bút Big Grin Thỏa thuận này có tác dụng từ 1/2008.