Nếu Bộ TT&TT nâng mức giá sàn lên 6 cent/phút sẽ có cơ sở để các doanh nghiệp đàm phán với đối tác quốc tế nâng giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về.

Viettel đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu tăng mức sàn cước kết nối chiều về từ 4,1 cent (1cent = 200 đồng) lên 6 cent/phút. Nếu phương án này được chấp thuận thì mỗi năm Việt Nam có thêm gần 90 triệu USD cho đất nước.

Doanh nghiệp bất ngờ "sống lại"

Sau thời gian mở cửa một cách hạn chế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về (gồm những doanh nghiệp như VNPT, Viettel, SPT) thì cơ quan quản lí đã cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia "sân chơi" này. Ngoài những cái tên cũ thì nay có thêm FPT, Hanoi Telecom, CMC, Đông Dương Telecom, VTC, Vishipel... Thế nhưng, suốt một thời gian dài chạy đua phá giá dịch vụ, các doanh nghiệp như Vishipel, VTC, SPT... đã phải âm thầm rút lui khỏi thị trường khi mà giá kết nối sát với giá thành. Hàng chục triệu USD đã tuột khỏi tay Việt Nam chỉ vì các doanh nghiệp trong nước "chém giết lẫn nhau". Việc bán phá giá dịch vụ, không có tiền trả cước kết nối đã khiến cho hầu hết doanh nghiệp viễn thông nhỏ cung cấp dịch vụ này trở thành con nợ của VNPT và Viettel với số tiền đến vài chục tỉ đồng. Thậm chí, do số nợ cước kết nối quá lớn nên Viettel và VNPT đã cắt hẳn hoặc cắt một phần kết nối của SPT, Hanoi Telecom, VTC...

Thế nhưng, "gió đã đổi chiều" khi Bộ TT&TT họp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về hồi tháng 9/2012. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra sáng kiến nhằm chặn việc phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về và có thể nâng cước kết nối. Ngay sau đó Viettel đã đi đầu trong việc áp dụng cách thức này và cùng với VNPT đẩy được cước kết nối liên tục tăng từ 2,6 cent/phút lên 3,5 cent/phút và hiện giờ là 4,1 cent/phút theo đúng quy định giá thành mà Bộ TT&TT đưa ra.

Mức cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về như hiện nay đã đảm bảo cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có lãi mà không phải tốn nhiều công sức. Đây chính là lí do khiến trong vòng 2 tháng qua các doanh nghiệp sôi sục với dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cố chạy vạy lo trả nợ cho hai "đại gia" Viettel và VNPT để hồi phục lại kết nối cho mình. Một lãnh đạo VNPT cho biết, ở trong tình cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay mà "con nợ" lớn như SPT mới đây cũng chuyển trả cho VNPT mấy tỉ đồng và xin được mở luồng kết nối để có thể cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. "Gần đây, các doanh nghiệp đua nhau trả nợ cho VNPT và chúng tôi đã đấu lại một số luồng kết nối cho họ. Những doanh nghiệp nằm yên lâu nay thấy có lợi nhuận cũng nhảy vào", vị này nói.

Chỉ nâng 2 cent/phút sẽ có thêm 1.800 tỉ đồng/năm

Trong hơn 2 tháng qua, Viettel và VNPT đóng vai trò dẫn dắt thị trường bằng cách điều tiết qua kênh kết nối đối với các doanh nghiệp nhỏ. Quy định giá thành dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về mà Bộ TT&TT đưa ra bắt buộc các doanh nghiệp không được bán dưới 4,1 cent/phút. Thế nhưng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại cho rằng có thể đưa ra mức giá sàn cao hơn, ngang bằng với thị trường chung trên thế giới.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ TT&TT mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã chính thức đưa ra kiến nghị với Bộ TT&TT đề nghị nâng cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. "Các cuộc gọi về thì khách hàng ở nước ngoài vẫn phải trả cho nhà khai thác nước ngoài từ 50 cent đến 1 USD, nhưng chỉ trả cho doanh nghiệp Việt Nam 4 cent. Tăng cước kết nối chiều về sẽ làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Mỗi năm có khoảng 4,5 tỉ phút điện thoại quốc tế chiều về, nếu chúng ta tăng 2 cent/phút thì mỗi năm Việt Nam có thêm 90 triệu USD cho đất nước. Do đó, Viettel đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu tăng cước kết nối chiều về từ 4,1 cent lên 6 cent", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo các doanh nghiệp viễn thông, nếu Bộ TT&TT nâng mức giá sàn lên 6 cent/phút sẽ có cơ sở để các doanh nghiệp đàm phán với đối tác quốc tế nâng giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng vừa được tổ chức, ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, có công ty tư vấn nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm rằng có thể đưa cước kết nối VoIP quốc tế chiều về của Việt Nam lên 10 đến 12 cent/phút. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy thì phải siết chặt quản lí không cho các doanh nghiệp đua nhau phá giá.

Mặc dù việc cung cấp dịch vụ cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về đang có biển chuyển tốt nhưng vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn. Một số doanh nghiệp nhỏ cho biết, họ đồng ý với phương án được chia 20% thị phần cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về của các doanh nghiệp lớn. Như vậy, để ổn định thị trường này vẫn cần có "bàn tay" quản lí chặt chẽ của Bộ TT&TT.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)