Ultrabook không phải tâm điểm của CES 2013, thay vào đó là điện thoại màn hình Full HD và TV 4K, nhưng khách tham quan có thể thấy sự hiện diện của dòng máy tính này rải khắp triển lãm.
Việc Apple cho ra đời MacBook Air đã mở ra cuộc đua sản xuất laptop siêu mỏng siêu nhẹ giữa các hãng PC. Tuy nhiên, các thiết bị đó phải chấp nhận cấu hình bình thường, thậm chí là yếu, để có được kiểu dáng thanh mảnh. Còn nhìn chung, laptop mạnh trông vẫn to và dày trên 2 cm. Chính vì thế, từ năm 2011, Intel đã đầu tư tới 300 triệu USD để giúp đỡ các nhà sản xuất phát triển máy tính xách tay mỏng, nhẹ nhưng vẫn có cấu hình cao và thời lượng pin đủ dài. Họ gọi đó là ultrabook.
Qua 2 năm, tuy chưa đạt được thành công mang tính đột phá nhưng với chiến dịch truyền bá "mưa dầm thấm lâu" và xuyên suốt các giai đoạn, ultrabook đã trở thành thuật ngữ không còn xa lạ với những người đang tìm mua laptop.
Điều này một lần nữa được chứng minh tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới năm nay. Dòng sản phẩm này không ồn ào, gây tò mò như chiếc TV 4K khổng lồ hay điện thoại cỡ 6,1 inch nhưng nó vẫn được giới truyền thông chú ý. Với sự tiếp sức của Intel và sự ra đời của Windows 8, dễ dàng bắt gặp ultrabook với đủ kiểu dáng từ thiết kế truyền thống cho tới màn hình xoay, lật, trượt... ở gần như bất cứ gian hàng của hãng sản xuất PC nào.
Để được gọi là ultrabook, sản phẩm phải tuân theo những chỉ tiêu về độ mỏng, về thời lượng pin, về loại chip sử dụng... mà Intel đề ra. Tuy nhiên, hiện nay, cả những laptop như Sleekbook của HP cũng mang dáng dấp của ultrabook dùng chúng dùng chip AMD và ổ cứng truyền thống. Ngay cả hệ thống chơi game Toshiba Qosmio màn hình 17 inch cũng trở nên bớt "hầm hố" hơn trước.
Trước thực tế đó, có ý kiến cho rằng việc laptop ngày càng mỏng nhẹ hơn sẽ khiến thuật ngữ ultrabook không còn mang nhiều ý nghĩa. Nhưng trang công nghệ Cnet lại cho rằng đây chính là chiến thắng lớn của ultrabook: cách đây 2 năm, máy tính xách tay mạnh của đa số các hãng đều có kiểu dáng thô, nặng còn giờ họ đã thay đổi cách tư duy trong thiết kế để trau chuốt, giúp thiết bị tinh tế hơn, nhiều kiểu dáng phong phú hơn. Tiến trình này có thể đã chậm hơn nhiều nếu như không có cú hích 300 triệu USD từ Intel.
"Nếu bạn định mua máy tính xách tay, không cần biết đó là Sleekbook, Slimbook, Skinnybook, hãy cảm ơn Intel vì đã đưa ra thuật ngữ ultrabook để thay đổi và thúc đẩy xu hướng thiết kế laptop kiểu mới", Cnet khẳng định.
Theo Số Hóa
Bình luận