Năm 2012 kinh tế khó khăn, thị trường thiết bị âm thanh khá ảm đạm nhưng riêng phân khúc sản phẩm Hi-end với giá trị một bộ dàn âm thanh được tính bằng tiền tỉ vẫn đứng vững.

Sản phẩm Hi-end: Tiêu thụ vẫn khả quan

Đánh giá về sức tiêu thụ thị trường thiết bị âm thanh Hi-end trong nước năm 2012, anh Bùi Hoàng Hải - Giám đốc Audio Hoàng Hải nhận định do lâu nay sản phẩm vốn đã “kén khách” (chỉ dành cho những người có khả năng tài chính mạnh, chơi âm thanh ở tầm cao hẳn so với mặt bằng chung) thế nên trong năm 2012 dù kinh tế khó khăn nhưng phân khúc thị trường này vẫn khả quan.

Anh Hải cho hay, những bộ dàn có giá khoảng 3 tỉ đồng, thậm chí lên đến 5 tỉ đồng vẫn được tiêu thụ không phải là ít. Đáng chú ý, trong năm 2012 thị trường Hi-end cũng chứng kiến sự nổi lên của khách hàng tại một số tỉnh như Nam Định, Quảng Ninh… khi họ sẵn sàng chơi một bộ dàn lên đến 2-3 tỉ đồng.

Đại diện hệ thống Công Audio và Việt Trung Audio cũng chung quan điểm đó. Anh Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Việt Trung Audio đánh giá, dù kinh tế đi xuống nhưng ở phân khúc Hi-end thị trường còn rất nhiều tiềm năng. Năm 2012, nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh về doanh số nhưng sản phẩm Hi-end vẫn tìm được đối tượng khách hàng đặc thù có điều kiện về tài chính, họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế.

Cùng đó, trong năm 2012 thị trường thiết bị âm thanh cũng chứng kiến sự phát triển mạnh hơn hẳn năm 2010 – 2011 về chủng loại. Số lượng bộ dàn, loa tầm 300 triệu - 1 tỉ đồng xuất hiện ngày càng phổ biến, những thương hiệu âm thanh Hi-end đến từ Châu Âu (Đan Mạch, Bỉ…) rồi Mỹ đang lấn rất sâu vào thị trường, đẩy lùi sự xuất hiện của thương hiệu Hi-end đến từ Nhật Bản.

Cũng chính vì thị trường này còn rất tiềm năng nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh thiết bị vẫn “mạnh tay” nhập về những thiết bị cao cấp, thậm chí là hàng đầu thế giới để làm thương hiệu và tìm kiếm khách hàng.

Ảnh
Loa Arrakis 2i của Rockport Technologies trị giá 2,9 tỉ đồng.

Ví dụ, cuối năm 2012, giới chơi Hi-end trong nước tỏ ra bất ngờ khi Audio Hoàng Hải nhập về bộ dàn âm thanh hàng đầu thế giới vừa xuất hiện ở Hồng Kông trước đó không lâu với tổng trị giá lên tới 21 tỉ đồng, trong đó riêng đôi loa Arrakis 2i của Rockport Technologies đã 5,8 tỉ đồng (mỗi loa cao gần 2 mét, nặng nửa tấn), mỗi ampli VTL Siegfried Series II Reference giá tới gần 1,6 tỉ đồng, hệ thống Vivaldi trị giá hơn 2,8 tỉ đồng…

Loại dây loa đắt nhất thế giới hiện nay cũng vừa có mặt tại thị trường Việt Nam là dây loa Seraphim Zesati loại 3 mét có giá khoảng 860 triệu đồng, dây điện 550 triệu đồng… “Sản phẩm dây loa này Audio Hoàng Hải cũng đã bán cho khách hàng”, Giám đốc Audio Hoàng Hải nói.

Chật vật đi tìm sức bật

Nhận định về thị trường kinh doanh thiết bị âm thanh trong năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị âm thanh đều cho rằng trong khi phân khúc Hi-end với lượng người chơi có khả năng tài chính không nhiều có thể vẫn giữ được sự ổn định thì phần lớn ở phân khúc tầm trung trở xuống vẫn còn ảm đạm.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, Giám đốc Công Audio, anh Vũ Đức Công đánh giá: Thông thường vào tháng 12, thị trường âm thanh khá sôi động, sức mua tốt nhưng năm nay thực tế đã giảm nhiều. “Theo đánh giá của Công Audio thì sức mua năm 2012 đã giảm khoảng 40% so với năm 2011 và thực trạng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013”, anh Công nhận định.

Chung quan điểm với Công Audio, anh Tuấn Việt - Giám đốc Việt Trung Audio nhận định năm 2013 thị trường tiêu thụ vẫn chậm. Ngay tại thời điểm cách Tết Nguyên đán 2013 hai tháng thì thị trường chưa thấy “dậy sóng” như các năm trước.

Phía Audio Hoàng Hải cho hay, trong năm 2012 phân khúc như Hi-Fi tiêu thụ chậm, nhất là Ampli giảm mạnh, chỉ đạt được 30% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Dù vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh thiết bị âm thanh vẫn tỏ ra lạc quan vào sự đột biến của thị trường ngay trong năm 2013, kì vọng phân khúc Hi-Fi và Mid-End hướng đến nhu cầu giải trí từ tầm trung trở xuống với những bộ dàn âm thanh nghe nhạc xem phim tầm 30 - 60 triệu, rồi từ 100 - 300 triệu đồng sẽ được tiêu thụ khả quan.

Đánh giá của giới kinh doanh cho thấy, thị trường trong nước hiện có khoảng 8 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh thiết bị âm thanh Hi-end (như Audio Hoàng Hải, Công Audio, Thanh Tùng Audio, Việt Trung Audio…), cùng khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh thiết bị âm thanh tầm trung (từ 15.000 USD trở xuống).

Ảnh
Đi cùng bộ dàn âm thanh Hi-end là mấy cái dây cáp... trị giá tiền tỉ.

Và giữa lúc thị trường đang cạnh tranh gay gắt để giành thị phần thì các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị âm thanh - đặc biệt là Hi-end, cũng đang “dốc sức” làm thương hiệu, tạo dựng uy tín (nhất là sự cạnh tranh giữa thương hiệu mới so với những “cây đa cây đề” vốn đã có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường) để thu hút đối tượng khách hàng nhiều tiền, kĩ tính.

“Trong câu chuyện cạnh tranh, các doanh nghiệp trẻ có thể thành công nếu làm thương hiệu có sự khác biệt. Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố như tạo uy tín với khách hàng, khi bán ra một bộ âm thanh không phải đơn thuần là chuyện thu tiền mà phải giúp khách hàng tối ưu được hệ thống, giúp họ khai thác được hết tính năng, phối hợp giữa loa, ampli… ra sao rồi bố trí ở một không gian phù hợp", một người chơi âm thanh Hi-end lâu năm tại Hà Nội bày tỏ.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)