Tiêu tiền ở đây không phải là mua những món đồ xa xỉ, đắt tiền như nhà, xe hơi, du thuyền... mà là việc họ đầu tư vào công tác từ thiện và những dự án có tầm ảnh hưởng đến thế giới.

Danh sách do Business Insider tổng hợp.

Larry Ellison, CEO Oracle, nổi tiếng với những khoản đầu tư hoành tráng như tài trợ cuộc đua thuyền buồm, mua đảo Lanai ở Hawaii, sắm nhà tại "bãi biển tỉ phú" ở Malibu... nhưng trong cuộc phỏng vấn với AllThingsD năm ngoái, Ellison cho hay khoản tiền lớn nhất ông đầu tư là vào y tế. Ông bỏ ra một tỉ USD thành lập tổ chức Ellison Medical Foundation tập trung nghiên cứu các bệnh liên quan đến tuổi già.

Qua quỹ Bill&Melinda Gates Foundation, nhà đồng sáng lập Microsoft tham gia vào rất nhiều dự án liên quan tới sức khỏe, giáo dục và nông nghiệp. Nhưng có một vấn đề khiến ông đau đầu chính là nhà vệ sinh, do đó ông bảo trợ chương trình phát minh lại toilet (Reinvent the Toilet), đầu tư hàng triệu USD cho 8 trường đại học để nghiên cứu loại bồn cầu có khả năng biến chất thải thành năng lượng. Hiện 40% dân số thế giới chưa biết đến hệ thống bồn cầu xả nước và mỗi năm có 1,5 triệu trẻ em chết vì tiêu chảy do vệ sinh kém.

Paul Allen, nhà sáng lập thứ hai của Microsoft, cũng có một danh sách dài các khoản đầu tư như sở hữu các câu lạc bộ thể thao, xây dựng bảo tàng rock-and-roll, sưu tầm máy bay thuộc thế chiến thứ hai... Ông cũng chi nửa tỉ USD cho Viện khoa học chuyên nghiên cứu hoạt động của não để chữa các bệnh như bệnh mất trí Alzheimer.

Đồng sáng lập Twitter, Biz Stone, vốn là người ăn chay nên không ngạc nhiên khi bảo vệ quyền động vật là một trong những lĩnh vực ông tích cực tham gia nhất. Stone đứng sau một công ty chuyên sản xuất thịt giả với mục tiêu tạo ra các loại thức ăn có vị như thịt gà trong năm 2013.

Năm 2008, Sergey Brin, đồng sáng lập Google, bất ngờ tiết lộ chuyện cá nhân rằng mẹ ông bị chứng bệnh Parkinson (hệ thống thần kinh bị trục trặc gây ảnh hưởng đến việc cử động) và có thể ông cũng sẽ mắc phải bệnh này. Thông qua 23andMe, công ty ông thành lập cùng với vợ, Brin tìm kiếm cách giúp ông và những người khác thoát khỏi căn bệnh trên.

Jeff Bezos, CEO Amazon, lại "điên" hơn khi dành 42 triệu USD để xây dựng một chiếc đồng hồ cao 60 mét, có thể đổ chuông khác nhau mỗi năm và tồn tại trong 10 thiên niên kỉ (10.000 năm). Năm 2011, công ty du hành vũ trụ Blue Origin của Bezos cũng giành hợp đồng trị giá 22 triệu USD với NASA để xây dựng các hệ thống có khả năng đưa các nhà du hành lên Trạm không gian quốc tế (ISS).

Như các đại gia công nghệ khác, Michael Dell, Tổng giám đốc của Dell, cũng có một quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo. Còn năm 2010, ông đã mua lại Magnum Collection với nhiệm vụ thu thập hơn 180.000 những bức ảnh quan trọng và đáng nhớ được chụp từ năm 1947 ở Mỹ.

Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook, thành lập tổ chức Good Ventures và đã đầu tư 500.000 USD để chiến đấu với bệnh sốt rét và 250.000 USD để tiêu diệt loài sán máng.

CEO Cisco, John Chambers, muốn khai trừ bệnh ung thư nên một năm trước, ông đã tặng 750.000 USD cho Đại học West Virginia, nơi cha mẹ ông tốt nghiệp và trở thành bác sĩ.

Năm 2010, Mark Zuckerberg quyên 100 triệu USD cho hệ thống trường công Newark. Vài tháng sau, nhà sáng lập Facebook kí vào Cam kết hiến tặng (Giving Pledge) - cam kết mà người tham gia sẽ đồng ý tặng phần lớn tài sản của mình trong suốt cuộc đời. Tháng 12/2012, Mark Zuckerberg công bố anh và vợ Priscilla đã đóng góp 18 triệu cổ phiếu (tương đương 500 triệu USD) cho Tổ chức cộng đồng Thung lũng Silicon.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)