Kimberley Swann ở Essex (Anh, trái) và Denise Helms ở California (Mỹ) đã bị sa thải vì “vạ miệng” trên Facebook - Ảnh: Internet.

Chỉ vì nông nổi trong việc phát ngôn hoặc ứng xử trong thế giới mạng, nhiều bạn trẻ đã rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”.

Ngoài chuyện bị cộng đồng mạng “ném đá”, tẩy chay, nhiều bạn gặp cả những rắc rối ngoài đời thực như mất việc làm, bị đuổi học, bạn bè xa lánh...

“Vạ miệng” trên Facebook

Giữa năm ngoái, trước sự phẫn nộ của đông đảo cư dân mạng về sự ra đời của “Hội ghét dân Thanh Hóa”, H. (người thành lập hội này) - sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - đã phải lên tiếng xin lỗi. Xuất phát từ thành kiến cá nhân, H. đã lập ra hội này và rủ bạn bè mình tham gia. Nhưng rồi sự việc ngày càng vượt quá tầm kiểm soát của H. khi nhiều bạn trẻ người Thanh Hóa bắt đầu gia nhập hội này và săn lùng tin tức của chủ hội. Sự việc chỉ tạm dịu đi khi H. tổ chức buổi gặp mặt và xin lỗi tất cả những người bất bình trước hành động của H...

Nickname “Kẹo mút chơi bời” đã huênh hoang trên mạng xã hội khoe dòng trạng thái về cái chết của cụ già 60 tuổi trong vụ tai nạn ở TP Yên Bái. Phẫn nộ trước sự vô lương tâm của “Kẹo mút chơi bời”, những “hiệp sĩ” trong thế giới ảo đã đồng tâm hiệp lực đưa danh tính kẻ này ra ánh sáng.

Báo chí nước ngoài những năm gần đây cũng thường xuyên đưa tin nhiều vụ “vạ miệng” trên mạng - thường là Facebook - gây khốn đốn cho khổ chủ ngoài đời.

Sau ba tuần đi làm cho Công ty tiếp thị và hậu cần Ivell ở thị trấn Clacton-on-sea, hạt Essex (Anh), cô gái 16 tuổi Kimberley Swann đã buông lời than vãn về công việc của mình trên Facebook cá nhân: “Ngày đầu tiên đi làm của mình! Trời đất ơi, thật ngu si đần độn! Tất cả những gì tôi phải làm là đục lỗ và scan giấy tờ”. Nhưng cô không biết rằng dòng trạng thái này trở thành cơn ác mộng của cô khi sếp đọc được.

Ông Stephen Ivell, giám đốc công ty, đã cho gọi Swann lên văn phòng và sa thải cô ngay lập tức, mặc dù Swann một mực khẳng định mình chỉ định nói về công việc cá nhân, thậm chí còn không đề cập đến tên công ty.

Cách đây không lâu, tờ NBC cũng đưa tin về trường hợp một nữ quản lí cửa hàng kem bị sa thải vì buông lời bôi nhọ Tổng thống Mỹ Barack Obama trên Facebook. Denise Helms (22 tuổi), ở TP Turlock, bang California, đăng tải dòng trạng thái trên Facebook của mình sau khi ông Obama tái đắc cử tổng thống Mỹ hôm 6/11 năm ngoái: “Có thể ông ấy sẽ bị ám sát trong nhiệm kì này”.

Cuối tháng 4 năm ngoái, nữ MC nổi tiếng Ellen Degeneres đã đề cập đến chủ đề “You posted that on Facebook?” (tạm dịch: Bạn đã đăng tải những thứ này lên Facebook sao?) trong chương trình truyền hình nổi tiếng The Ellen Degeneres Show của mình. Bà đã phát một số hình ảnh “khó đỡ” được lấy từ Facebook của một vài khán giả bất kì đang tham dự chương trình. Đó là hình ảnh “dở khóc dở cười” của chàng trai ăn mặc tựa như Adam vào ngày Halloween, hình ảnh cô gái chụp những tư thế nhạy cảm trong lớp múa cột, hình ảnh hai người bạn gái tụt quần dựa mông vào nhau... Điều đáng lưu tâm là những khán giả này hoàn toàn không phải bạn bè của Ellen trên Facebook nhưng bà dễ dàng có được hình ảnh của họ từ thế giới mạng.

Video ghi lại chương trình của Ellen sau đó được chia sẻ trực tuyến trên YouTube đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem và hơn 8600 lời bình luận. Nhiều bình luận cho rằng công nghệ thông tin đã tạo nên những điều tuyệt vời nhưng hãy cẩn trọng trong việc sử dụng nó.

Hãy tôn trọng chính mình

Giảng viên Cao Văn Cang (phân hiệu Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ kiểm sát TP.HCM) cho biết ông từng bị sinh viên nói xấu, thóa mạ trên mạng. “Tôi rất ngạc nhiên và bức xúc khi thấy họ - những người có học - lại có thể gọi thầy cô là “thằng”, “bà” và xưng hô “mày”, “tao” một cách thản nhiên trên mạng”, ông nhớ lại.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, dù các sinh viên đã đồng loạt gửi lời xin lỗi và giải thích nhưng ông Cang khẳng định bản thân có thể tha thứ nhưng sẽ không thể quên. “Có thể chỉ là một phút nông nổi, nhưng hình ảnh của các bạn ấy hoàn toàn bị sụp đổ trong tôi cũng như mọi người”, ông cho biết.

Là người nổi tiếng trong cộng đồng mạng với hơn 30.000 người theo dõi trên Facebook, MC Tùng Leo cho rằng việc phát ngôn ở thế giới ảo rất cần sự cẩn trọng bởi: “Việc phát ngôn, dù ở bất cứ hình thức nào, cũng là cách thông tin về quan điểm, lối sống, suy nghĩ của một ai đó đến số đông. Vì vậy, nó ảnh hưởng lớn đến việc người khác đánh giá nhân cách của bạn”.

Theo ông Tùng, các bạn trẻ hoàn toàn có quyền nói mọi điều bản thân nghĩ trên trang cá nhân nhưng ông lưu ý: “Nên biết rằng trò chuyện trong đời thường không được nhiều người biết như khi giãi bày trên mạng. Và khi viết không suy nghĩ chứng tỏ cá nhân đó không tôn trọng chính mình”. Ông cho rằng khi người trẻ không trân trọng bản thân thì khó thể có quyền đòi hỏi điều đó ở xã hội.

Dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng, ông Đức Lê (sáng lập viên Công ty TNHH www.viivue.com) cho rằng: “Việc một số bạn trẻ cố tình văng tục, gây hành động phản cảm trên mạng để nổi tiếng có thể giúp họ đạt được “hào quang” ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài đến uy tín cá nhân”. Cụ thể, ông cho rằng bản thân sẽ đặc biệt lưu ý tới những hành vi phản cảm của nhân viên công ty mình trên mạng xã hội và có những biện pháp xử lí tương ứng. Theo ông, đây là điều bình thường bởi rất nhiều công ty ở Mỹ, cụ thể ở thung lũng Silicon, đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra thông tin nhân viên trên các trang mạng xã hội, đặc biệt ở các vị trí như nhân viên marketing, nhân viên truyền thông, nhân viên kinh doanh...

Tương tự, ông Lê Thành Quang Khôi (phó phòng hành chính nhân sự Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tân Định) cho rằng việc kiểm tra thông tin ứng viên, nhân viên qua mạng xã hội hiện tuy chưa phổ biến tại VN nhưng đã được nhiều nơi xem xét để đưa vào áp dụng trong tương lai không xa. “Nhất là khi hiện nay các công ty không chỉ quan tâm đến năng lực mà yếu tố tính cách, độ hòa hợp với văn hóa công ty của nhân viên cũng được cho là quan trọng không kém”, ông nói.

Theo Tuổi Trẻ Online




Bình luận

  • TTCN (0)