TP.HCM sẽ chi tới 31 tỉ đồng để chuyển đổi từ "nguồn đóng" sang "nguồn mở" trong năm 2013.

Một số doanh nghiệp phần mềm nguồn mở (PMNM) đang tính chuyện liên minh để nắm bắt cơ hội kiếm tiền khi nhiều địa phương đã chịu dùng PMNM.

Khó kiếm tiền nếu không liên minh

Xem xét kĩ chuyện doanh nghiệp PMNM “sống dở chết dở” suốt thời gian qua thì một phần nguyên nhân chính do doanh nghiệp vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Ở rất nhiều cuộc đấu thầu, doanh nghiệp PMNM bị loại ngay từ vòng đầu bởi không thể “đọ” được với các đối thủ cạnh tranh về những tiêu chí như quy mô, kinh nghiệm, nhân lực,…

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) thừa nhận: “Các doanh nghiệp PMNM thực sự có tiềm năng, nhưng phần lớn đều ở quy mô nhỏ hay cực nhỏ. Bản thân VFOSSA chưa hình thành được một liên minh doanh nghiệp PMNM để tạo đột phá trong việc thực hiện các chương trình, dự án cỡ lớn”.

Đã có một vài doanh nghiệp rủ nhau kinh doanh, chẳng hạn Công ty EcoIT hợp lực với Công ty iWay để nâng cao hiệu năng cho giải pháp PMNM song vẫn chưa chinh phục được khách hàng. Ông Tạ Quang Thái, Tổng Giám đốc Công ty EcoIT cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp PMNM phải kết nối cả về kĩ thuật cũng như chiến lược thị trường chứ không nên “mạnh ai nấy làm”.

Trong khi chưa có một liên minh doanh nghiệp PMNM tầm quốc gia thì đã manh nha xuất hiện một số liên minh ở địa phương, điển hình như tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thế Trung, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng cho biết, một số doanh nghiệp tại địa phương này đã thống nhất sẽ thuê tư vấn nước ngoài hỗ trợ soạn quy chế hoạt động của Liên minh PMNM ở Đà Nẵng nhằm nâng cao khả năng kiếm tiền cho các doanh nghiệp.

Điểm lợi dễ thấy nhất khi hình thành được liên minh doanh nghiệp PMNM là tập trung nhân lực, vật lực… để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Khi một doanh nghiệp kinh doanh PMNM nhỏ lẻ cung cấp dịch vụ PMNM thì chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của khách hàng, nếu hệ thống CNTT có sự cố rất dễ xảy ra chuyện doanh nghiệp phần cứng đổ lỗi cho doanh nghiệp phần mềm, hoặc doanh nghiêp cung cấp giải pháp cho mảng này đổ lỗi cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho mảng khác trong cùng hệ thống. Còn khi các giải pháp, dịch vụ PMNM được cung cấp bởi một liên minh doanh nghiệp PMNM (gồm cả doanh nghiệp cung cấp giải pháp ứng dụng, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng,…) thì khách hàng không phải e ngại về chuyện đùn đẩy trách nhiệm.

Cơ quan Nhà nước đã chịu chi cho nguồn mở

Lâu nay, các doanh nghiệp PMNM thường than vãn rằng “cửa” kiếm tiền rất chật hẹp, đặc biệt là khu vực khách hàng cơ quan Nhà nước mới ban hành chính sách ủng hộ phát triển PMNM chứ chưa chịu bỏ tiền để dùng.

Tuy nhiên, tại buổi tổng kết hoạt động năm 2012 và mừng sinh nhật 1 tuổi của VFOSSA diễn ra mới đây, một tin vui vừa được TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Chuyên gia tư vấn giải pháp CNTT của Công ty Cổ phần công nghệ DTT chia sẻ, đó là TP.HCM đã quyết định chuyển đổi các sản phẩm phần mềm nguồn đóng trong bộ máy cơ quan Nhà nước của TP sang PMNM, sau khi thống kê thấy nếu dùng nguồn đóng, mỗi năm TP.HCM phải chi tới 240 tỉ đồng mua giấy phép bản quyền (license) cho các cơ quan Nhà nước, cộng với khoảng 800 tỉ đồng mua license cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, tổng cộng chi phí cho “nguồn đóng” mỗi năm lên tới cả nghìn tỉ đồng. Để hạn chế chi phí mua license, 3 năm nay hơn 60 đầu mối sở, ban, ngành, quận, huyện… đã chuyển đổi sang dùng PMNM. Riêng năm 2013, lãnh đạo TP.HCM quyết định dành 31 tỉ đồng để tiếp tục chuyển đổi từ nguồn đóng sang nguồn mở.

Theo tìm hiểu của phóng viên ICTnews, một số địa phương khác như Đà Nẵng, Bắc Giang, Quảng Nam, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Long... cũng hứa hẹn nhiều cơ hội kiếm tiền cho doanh nghiệp PMNM. Chẳng hạn, Đà Nẵng đã tiên phong thử nghiệm triển khai phần mềm Một cửa điện tử trên nền mã nguồn mở PHP (sử dụng Zend Framework và hệ quản trị cơ sở dữ liệu Posgresql) tại 7 UBND quận, huyện và 56 xã, phường. Kết quả cho thấy triển khai phần mềm này ở 56 xã, phường chỉ mất 280 triệu đồng trong khi đã có phần mềm Một cửa điện tử (nguồn đóng) trên thị trường được “rao” giá 300 - 500 triệu đồng/1 điểm.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Netnam đề xuất VFOSSA nên tham khảo mô hình Hiệp hội PMNM tại Thái Lan với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, trong đó phân chia thành liên minh của các doanh nghiệp PMNM và liên minh những người sử dụng, thụ hưởng PMNM (ví dụ như các công ty, doanh nghiệp, chuỗi nhà hàng sử dụng,..). Mô hình này đã hỗ trợ phát triển ứng dụng PMNM trong cộng đồng, tạo thêm nhiều việc làm cho các công ty làm PMNM.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)