Thời gian gần đây, một số cá nhân đã đưa lên trang Facebook của mình những nội dung thiếu lành mạnh, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục của người Việt.
Điển hình như vụ nữ sinh lớp 8 ở Quảng Nam đăng tải trên Facebook bài viết "Tuyên ngôn học sinh Trường THCS Lí Tự Trọng" kêu gọi bạn bè phải bằng mọi cách, kể cả những biện pháp tiêu cực để có thể "qua" đợt kiểm tra học kì 1. Tệ hại hơn, bài viết này còn có nội dung xúc phạm nghiêm trọng đến nhà trường, đến các thầy cô giáo.
Tất nhiên, nữ sinh này đã bị kỉ luật, nhưng điều muốn nói ở đây rằng chúng ta phải giáo dục con em mình như thế nào, quản lí việc sử dụng mạng xã hội ra sao? Có nên để các cá nhân tự do tung hê tất cả những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm mục đích nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác lên mạng?
Cuộc tranh luận làm thế nào để quản lí học sinh sử dụng Facebook diễn ra sôi nổi trong suốt tuần qua. Đặc biệt, khi trên website của Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) xuất hiện những điều cấm kị khi lên Facebook đối với học sinh trường này thì cuộc tranh luận này càng thêm sôi nổi. Không ít ý kiến cho rằng tốt nhất là cấm! Những người theo xu hướng này khẳng định, nhiều học sinh mất khá nhiều thời gian vào các diễn đàn và các trang mạng xã hội, lơ là học hành, thậm chí không ít học sinh mắc nghiện. Bài học về bệnh nghiện games online vẫn còn đó.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bản thân Facebook không có lỗi, chẳng qua Facebook cũng chỉ là một phương tiện thông tin mà thôi. Điều quan trọng chính là phải giáo dục đạo đức nhân cách của con người. Đã là học sinh hư thì không cứ trên Facebook mà ngay trong đời thực họ cũng chửi bậy, nói tục...
Không phải ngẫu nhiên mà Facebook trở thành mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất thế giới. Facebook như một đế chế không biên giới, ở đó các thành viên hoàn toàn bình đẳng và tự do trong giao tiếp. Facebook có sức hút mãnh liệt với bất cứ ai. Ngoài vai trò là một trang mạng mang tính giải trí hấp dẫn, nơi giao lưu, chia sẻ tình cảm của bạn bè, người thân thì Facebook còn là một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải những thông điệp, thông tin đến hàng triệu triệu người trên khắp hành tinh. Chính vì vậy, thành công của "Mùa xuân Ả Rập" vừa qua có sự đóng góp đắc lực của Facebook và các trang mạng xã hội khác. Với tôi, Facebook như một cuốn nhật kí sinh động ghi lại những cảm xúc ấn tượng, những thông cảm, sẻ chia trong cuộc sống thường nhật. Ở Việt Nam, nhưng qua Facebook có thể hiểu được những tâm tư tình cảm, những trăn trở, băn khoăn của con gái đang du học ở một đất nước xa xôi, qua đó có thể an ủi, động viên hoặc "gỡ rối" những tình huống khó mà nó đang gặp phải.
Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Với tốc độ truyền tải như vũ bão, internet nói chung và Facebook nói riêng hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí hết sức độc hại. Theo AFP, cuộc thăm dò của Viện thăm dò dư luận xã hội ViaVoice (Pháp) mới đây cho thấy, phần lớn các bậc cha mẹ (79%) và trẻ em ở độ tuổi từ 9-16 tuổi (59%) cho rằng Facebook là mối nguy hiểm thực sự. Các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook đang được kiểm soát chặt chẽ ở Anh, Nga, Iran, Trung Quốc và nhiều nước khác.
Lứa tuổi học sinh vốn ngây thơ, trong sáng, ham hiểu biết, muốn khẳng định nhưng chưa đủ kinh nghiệm, tri thức trong phân biệt đúng - sai. Chúng ta không cấm các em sử dụng mạng xã hội, nhưng nếu không quản lí chặt chẽ việc sử dụng các trang mạng xã hội, không hướng dẫn các em cách sử dụng các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook thì hậu quả sẽ không chỉ là chuyện băng hoại đạo đức của một bộ phận lớp trẻ mà cao hơn nữa là sự nguy hiểm đến vận mệnh quốc gia.
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận