Ngày 29/1/2013, Viettel chính thức ra mắt gói cước Buôn làng để phổ cập dịch vụ di động cho hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tới hơn 9 triệu người chưa được sử dụng dịch vụ này.
Ra đời vào đúng dịp Tết Nguyên Đán 2013, bộ tính năng mới như một món quà xuân dành cho đồng bào Thái, Tày - Nùng, H’Mông, Dao, Gia-rai, Khơ-me, Ê- Đê. Đây cũng là lần đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số có sản phẩm viễn thông di động hỗ trợ ngôn ngữ của mình.
Nhân dịp ra mắt bộ tính năng Buôn làng, Viettel dành tặng 500 phần quà là bộ thiết bị đèn và sạc pin năng lượng mặt trời cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn, đặc biệt là bà con sống tại các vùng không có điện lưới. Bộ thiết bị bao gồm đèn thắp sáng, bộ sạc để sạc pin cho điện thoại, đèn, radio…
Từ khi tham gia thị trường viễn thông, Viettel đã nỗ lực xây dựng hạ tầng, mạng lưới đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm đưa dịch vụ viễn thông đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Viettel đã sở hữu hạ tầng lớn nhất Việt Nam với 56.000 trạm phát sóng 2G và 3G. Toàn bộ 2.685 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cả nước đã có sóng Viettel (đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 trạm BTS) mặc dù chi phí đầu tư và khai thác trạm BTS tại khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn, tốn kém gấp 2-3 lần so với thông thường trong khi hiệu quả kinh tế rất thấp.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel chia sẻ, để phổ cập dịch vụ viễn thông cho hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tới hơn 9 triệu người chưa được sử dụng dịch vụ di động thì nỗ lực phủ sóng thôi chưa đủ mà phải tạo ra được sản phẩm thật gần gũi, thân thuộc cho bà con. Trước hết, phải xóa được rào cản về ngôn ngữ để đồng bào dễ sử dụng và tiếp cận được với thông tin xã hội, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Từ những trăn trở đó, Viettel tìm đến các nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học để xây dựng tổng đài riêng và kho nội dung cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe gọi thông thường, gói cước Buôn làng được cung cấp nhiều chương trình tin tức tổng hợp, kể chuyện, ca nhạc, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi bằng tiếng dân tộc 24/24h. Toàn bộ thông tin hướng dẫn sử dụng được dịch ra tiếng dân tộc hoặc dùng hình ảnh minh họa giúp bà con dễ dàng thực hiện các thao tác. Điện thoại viên người dân tộc trực tiếp giải đáp dịch vụ miễn phí qua tổng đài 3331 (Tày-Nùng); 3332 (Thái), 3335 (H’Mông), 3336 (Dao), 3337 (Gia-rai), 3338 (Ê Đê), 3339 (Khơ-me).
Tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Viettel, từ xây dựng hạ tầng, mạng lưới đến tận vùng sâu vùng xa, đến việc nghiên cứu và áp dụng thành công sản phẩm viễn thông phù hợp và thiết thực với bà con dân tộc thiểu số. Ông Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh: “Điều đáng quý của Viettel là đã rất trân trọng ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ra bộ tính năng nhằm gìn giữ và bảo tồn các giá trị này cho mai sau”.
Theo kế hoạch, 7 phiên bản của gói cước Buôn làng sẽ lần lượt được cung cấp trong thời gian từ nay đến trước Tết Nguyên đán. Ngay tại thời điểm ra mắt (29/01), Viettel cung cấp trước 5 phiên bản hỗ trợ các ngôn ngữ: Dao, H’Mông, Thái, Gia rai, Khơ me. Tuỳ theo địa bàn đồng bào sinh sống, Viettel sẽ cung cấp sản phẩm phù hợp trên hệ thống kênh phân phối. Gói cước Buôn làng không bị giới hạn thời gian sử dụng (trong vòng 60 ngày chỉ cần phát sinh một trong các hành động: nạp thẻ, phát sinh cuộc gọi/tin nhắn đi có cước, phát sinh lưu lượng data). Gói cước Buôn làng còn hỗ trợ tính năng định vị, trong trường hợp cần thiết, khách hàng có thể nhắn tin để tìm vị trí của mình (cước phí 100 đồng/lần).
Theo ICTnews
Bình luận