Theo lộ trình thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, hệ thống doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất sẽ được hình thành, trên cả cấp toàn quốc và cấp khu vực.
Ít nhất có 3 doanh nghiệp hạ tầng
Theo đề án, việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng. Việc chuyển đổi thực hiện theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, dự kiến thực hiện xong trước ngày 31/12/2015.
Giai đoạn 2 thực hiện số hóa tại 26 tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội mở rộng), dự kiến trước ngày 31/12/2016. Giai đoạn 3 thực hiện tại 18 địa phương, dự kiến trước ngày 31/12/2018. Giai đoạn 4 thực hiện số hóa tại 15 địa phương còn lại, dự kiến xong trước ngày 31/12/2020.
Ở Việt Nam hiện nay, các đài truyền hình vừa xây dựng hạ tầng, vừa làm chương trình, vì thế, chương trình đài nào phát trên hạ tầng đài đó, vừa lãng phí hạ tầng, vừa lãng phí tài nguyên tần số. Lãnh đạo Bộ TT&TT cho hay, trong lộ trình, dần dần hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Về lâu dài, các đài phát thanh – truyền hình (PTTH) chỉ làm chương trình, còn lại sẽ hình thành 2 – 3 DN cung cấp dịch vụ PTTH cấp toàn quốc, và 4 – 5 DN khu vực, sao cho hệ thống DN đủ đảm bảo cạnh tranh để đảm bảo chất lượng, giá cả nhưng vẫn ổn định được thị trường truyền phát sóng.
Hiện, Truyền hình kĩ thuật số VTC, Truyền hình An Viên AVG và Truyền hình Việt Nam VTV đã bước đầu hình thành hệ thống doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.
Tích hợp thiết bị thu truyền hình số vào tivi
Đề án số hóa truyền hình mặt đất đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ phủ sóng để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư. Ngoài ra, 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị cung cấp truyền hình không được khóa mã kênh truyền hình quảng bá khi triển khai số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, các đơn vị cung cấp dịch vụ không được khóa mã các kênh truyền hình thiết yếu, phục vụ thông tin chính trị, xã hội.
Như vậy, khi phát sóng truyền hình tương tự (analog), các máy thu hình hiện nay (bắt sóng truyền hình bằng ăng-ten) sẽ không thu được tín hiệu truyền hình nữa và phải lắp thêm đầu thu hình số mặt đất. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Lê Nam Thắng cho biết, Nhà nước sẽ trích một phần để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách để mua đầu thu truyền hình số mặt đất.
Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất (Bộ TT&TT) đã thống nhất áp dụng phiên bản tiêu chuẩn DVB-T2 cho truyền hình số mặt đất Việt Nam và lộ trình tích hợp thiết bị thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại thị trường trong nước.
Theo đó, tất cả các máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inchs phải tích hợp thiết bị thu truyền hình số mặt đất kể từ ngày 1/4/2014, và kể từ ngày 1/4/2015 sẽ áp dụng với tất cả các máy thu hình. Theo ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), hiện mức giá của đầu thu đang được bán trên thị trường vào khoảng 400-500.000 đồng, song khi tích hợp vào máy thu hình, giá thành sẽ chỉ vào khoảng 7-10 USD.
“Thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp nên mọi góc độ phải được tính toán kĩ để đảm bảo hoàn thành Đề án cũng như đảm bảo lợi ích của người dân” – Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết.
Theo Pháp luật VN
Bình luận