Mức khởi điểm cho một hệ thống karaoke gia đình là 10-15 triệu đồng.

Với mức đầu tư 10 đến 15 triệu đồng, người chơi đã có thể sắm một hệ thống karaoke gồm toàn thiết bị nhập, khả năng trình diễn đạt mức trung bình khá.

Một bộ karaoke cơ bản gồm thiết bị phát (đầu đĩa và ampli), màn hình, loa và mic. Theo những dân chơi âm thanh có kinh nghiệm, hệ thống lắp ghép cho âm thanh hay hơn so với dàn karaoke nguyên bộ và đúng với "gu" của gia chủ. "Quan trọng nhất của việc chọn các thiết bị là làm sao phối ghép các thiết bị có công suất tương ứng", ông Nguyễn An Tim, chủ một cửa hàng âm thanh ở TP HCM chia sẻ.

Dưới đây là một số gợi ý cho dàn karaoke lắp ghép tầm 10 đến 15 triệu đồng (không kể màn hình vì gia đình nào cũng có sẵn TV), cho căn phòng từ 20 đến 25 m2.

Đầu phát karaoke tầm 2 triệu đồng. Một số sản phẩm nằm trong tầm giá này như Arirang 909HD, 909MD, California HD… Ông Tim lưu ý khi lựa chọn đầu phát nên lưu ý chất lượng nén, phông nền chữ dễ đọc, khả năng lưu trữ bài hát (thông thường, các đầu ở tầm giá này có thể lưu trữ 4.000 bài). Một số cửa hàng cho biết hiện đầu Arirang AR-909MD khoảng 1,4 triệu đồng được nhiều người lựa chọn. Đây là sản phẩm mới nhất của Arirang, đầy đủ tính năng hát karaoke, sử dụng DVD và USB, đọc được tất cả các loại đĩa và file nén, định dạng Audio-Video DVD MIDI/VCD/MP3/MP4/WMA/JPEG/EVD. Đầu này hỗ trợ các bài hát tiếng Việt và Anh, chọn bài hát theo kí tự ngay trên màn hình.

Sau khi chọn xong phần đầu phát, việc khó khăn nhất là chọn bộ phối ampli và loa, khoảng 7 triệu đồng. Theo ông Tim, giữa hai thành phần này nên được phối ghép và nghe thử vì chúng có sự phụ thuộc lẫn nhau. Thường thì các cửa hàng bán đều có tư vấn và phối ghép thử cho khách để kiểm tra công suất và trở kháng có hợp nhau. Với phòng 20 đến 25m2, người chơi có thể chọn ampli có công suất từ 100W đến 150W. Một số hãng có ampli có tầm giá này là Guinness, Jarquar, Master Audio. Nếu chỉ để hát karaoke, "người chơi nên chọn các dòng loa được thiết kế chuyên biệt cho tính năng này", ông Tim lưu ý, vì khi hát, thường các tần số chưa được cân chỉnh tốt cũng như âm thanh mạnh mẽ từ ampli sẽ dễ làm đứt loa, nhất là loa treble tần số cao.

Một số bộ phối ghép loa – ampli có thể tham khảo là ampli KB-750 và loa 801 của Master Audio; PA203N và SS5255 của Jaguar; PA9200 và RT806 của Rinton; PA7200 và RT809 của Daton… Trong đó, ampli KB-750 của Master Audio tầm giá 4,2 triệu đồng là một trong những model mới nhất trên thị trường. Ampli này có thiết kế hiện đại, có điều khiển từ xa, công suất 160W x 2 kênh, 3 ngõ vào micro phù hợp với nhu cầu của nhiều gia đình. Còn loa Master Audio 801 có giá 3,5 triệu đồng. Đôi loa này có công suất 100W và trở kháng 8 Ohm, khá dễ đánh với ampli KB-750.

Cuối cùng là chọn micro. Có rất nhiều nhãn micro giá từ 100 nghìn đến cả vài triệu đồng. Tuy nhiên, để cân đối ngân sách cho phù hợp, người dùng có thể chọn Micro của AKG, LX88 của Shure hay MU880i của Guinness. Trong số này, AKG được tin tưởng vì hàng nhái thương hiệu này chưa nhiều, ví dụ, AKG D44S giá 820 nghìn đồnglà micro có dây, thích hợp với hát karaoke, thiết kế nặng tay dễ cầm, tiếng mid rõ mặc dù đây không phải là micro “lợi tiếng”.

Ảnh
Nên mua các thành phần, nhất là ampli và loa cùng một nơi để tiện phối ghép và hát thử trước khi quyết định.

Nếu muốn đầu tư thêm một chút, các chuyên gia tư vấn cho rằng người chơi nên mua thêm đôi loa bass hoặc nâng cấp đầu phát karaoke đa năng vừa nghe nhạc, xem phim, kết nối Internet thậm chí sử dụng được ổ cứng gắn ngoài. Trong khi đó, với phòng trên 25 m2, theo ông Tim, người chơi cần thay đổi cấu hình phối ghép một chút, đồng thời nâng mức đầu tư tối thiểu là 15 triệu đồng để bộ dàn đạt đến một mức trình diễn khá hơn.

Đơn cử, người chơi có thể đổi sử dụng ampli HS-8200 giá khoảng 5,2 triệu đồng của Master Audio. Ampli này công suất mạnh, thiết kế đẹp, điều khiển từ xa đầy đủ tính năng, các nút cân chỉnh cho phần nhạc và lời hát đầy đủ. Người chơi cũng nên đổi loa để có được lời ca trung thực rõ ràng hơn, chẳng hạn, Master Audio KA-600 tầm 4,4 triệu đồng. Bộ loa này có loa bass lớn cho tiếng trầm mạnh, khỏe, phù hợp với ampli HS-8200.

Cũng có thể thay đầu phát để có âm thanh nền nhạc hay hơn, dễ cân chỉnh với ampli hơn. Ví dụ, AR3600S tầm 5,6 triệu đồng hiện được nhiều người chơi chuộng. Micro cũng nên chọn loại lợi tiếng hơn như AKG-P3S tầm 1,2 triệu đồng - loại này dễ lên các đoạn cần âm vực cao.

Cấu hình dàn karaoke được giới thiệu ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Ở mức đầu tư này, dàn karaoke cho hình ảnh với độ nét khá, âm thanh ở mức trung bình, thể hiện đúng chất giọng của người hát. Người chơi có thể cân nhắc chọn dòng ampli và loa phù hợp túi tiền, nhưng cần lưu ý mua cùng một chỗ các thành phần để tiện phối ghép và hát thử trước khi quyết định mang về nhà.

Ngoài lựa chọn thiết bị, bạn cũng nên quan tâm bố trí loa, thiết kế phòng bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng âm thanh. Một phòng hát được thiết kế tốt cũng góp phần làm cho chất lượng âm thanh hoàn hảo hơn. Phòng hát nên được cách âm tốt, treo rèm vải hoặc trải thảm để tránh hiện tượng dội âm. Khi bố trí các thiết bị trong phòng cũng cần đảm bảo tính hợp lí, ví dụ, phòng hát khoảng 15m2 có thể sử dụng 2 loa; còn phòng hát từ 30m2 trở lên có thể dùng 4 loa...

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)