Trong khi nền kinh tế đang suy giảm, thị trường viễn thông cũng đã bước vào thời kì bão hòa thì thuê bao 3G vẫn tăng 25%. Đây thực sự là pha lội ngược dòng suy thoái ngoạn mục của các nhà mạng.
Thị trường 3G “lội ngược dòng”
Năm 2012, kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm gần đây, giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn kinh doanh thua lỗ, hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu dùng chung của nền kinh tế giảm sút.
Thị trường viễn thông cũng đã bước vào thời kì bão hòa tương đối, tổng số thuê bao điện thoại được đăng kí và đang hoạt động trên toàn quốc tính đến hết tháng 12/2012 là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Tốc độ tăng trưởng thuê bao ngày càng giảm sút so với các năm trước, cạnh tranh giữa các nhà khai thác ngày càng trở nên quyết liệt, tập trung rõ nét vào cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ đã phải dừng cung cấp dịch vụ do không đủ năng lực cạnh tranh.
Đi ngược lại sự suy giảm này, chỉ trong khoảng thời gian nửa năm, lượng thuê bao 3G tăng mới trên toàn Việt Nam đã lên tới 25% là một con số đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng nói chung giảm sút. Đặc biệt, VinaPhone, mạng di động đầu tiên tại Việt Nam cung cấp 3G, còn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 3G tăng tới 60% trong năm 2012. Vậy điều gì đã khiến cho 3G của các mạng di động nói chung tăng với tốc độ cao như vậy bất chấp khó khăn từ nền kinh tế?
“Vũ khí thoát hiểm” của nhà mạng
Các nhà mạng đã tận dụng tối đa những tiềm lực sẵn có của mình cùng với thế mạnh của công nghệ thế hệ thứ 3 này để thoát khỏi vòng xoáy suy thoái kinh tế và đạt mức tăng trưởng mạnh.
Trong hơn 3 năm qua, tổng vốn đầu tư của các mạng di động vào mạng lưới 3G đã đạt 27.779 tỉ đồng. Vùng phủ sóng 3G theo dân số và theo diện tích lãnh thổ của các doanh nghiệp trung bình đạt 212%. Tổng số thuê bao 3G đạt xấp xỉ 20 triệu. Với hạ tầng 3G phủ rộng khắp, người dân có thể sử dụng được dịch vụ một cách dễ dàng là nhân tố giúp thị trường này tăng trưởng.
Hầu hết các hãng viễn thông đều đầu tư mạnh cho việc tối ưu hóa mạng lưới, tăng tốc độ truy cập 3G khiến cho việc dùng dịch vụ thuận tiện và nhanh hơn nhiều. Công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động 3G được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc 97.013 trạm BTS và 44.100 trạm Node B 3G. Trong số đó, điển hình là việc VinaPhone đi tiên phong trong việc nâng cấp mạng 3G lên 3,5G với tốc độ download lên tới 21,6 Mbps, còn upload là 5,76 Mbps.
Mặt khác, tất cả các mạng di động đều đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, đặc biệt là những tiện ích trên nền 3G, giúp cho người dùng có thể nhiều lựa chọn khi sử dụng dịch vụ này. Tính đến hết năm 2012, MobiFone có tới 50 dịch vụ giá trị gia tăng nói chung, còn VinaPhone có tới 80 dịch vụ trong đó có nhiều tiện ích 3G. Việc phát triển nhiều dịch vụ gia tăng cũng là nguyên nhân quan trọng giúp khách hàng hào hứng hơn và tăng cường sử dụng 3G trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài việc đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Internet trên điện thoại di động, 3G cùng các dịch vụ đi kèm đó còn đóng góp quan trọng vào việc tăng doanh thu trong năm 2012 cho các mạng di động. Từ chỗ roaming chỉ có thoại và tin nhắn, đến nay người dùng di động Việt Nam có thể roaming internet 3G qua máy tính bảng, điện thoại di động và đặc biệt mới đây nhất là qua thiết bị USB 3G. Điều này đồng nghĩa với việc, người dùng có thể truy cập internet 3G trên máy tính, laptop vẫn dùng hàng ngày ngay cả khi đã ra nước ngoài. Trên bản đồ vùng phủ data roaming của các nhà mạng Việt Nam đã xuất hiện tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Song song với việc mở rộng vùng phủ data roaming, các doanh nghiệp trong nước còn đưa ra mức phí trọn gói để khách hàng sử dụng 3G không giới hạn khi đi nước ngoài (tại một số mạng nhất định). Mức cước dao động từ 199.000 đồng (Viettel) đến 219.000 đồng (Vinaphone) hay 249.000 đồng (Mobifone) cho 1 ngày sử dụng. Chi phí này phù hợp với những ai đi du lịch hoặc công tác nước ngoài cần duy trì công việc, giữ số điện thoại và thiết bị truy cập internet thường ngày
Để tăng tính cạnh tranh, các mạng di động đều tung ra các gói cước 3G giá siêu rẻ, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mại khủng, giảm cước mạnh để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại, có những gói cước 3G của mạng di động mà người dùng chỉ mất 15.000 - 20.000 đồng là có thể sử dụng không giới hạn để lướt web tốc độ cao. Với mức giá như hiện tại, 3G Việt Nam có xếp vào những nước có cước rẻ nhất thế giới. Đây là chưa kể tới việc vùng phủ sóng 3G được lan tỏa đến cả các vùng sâu, vùng xa - điều khó làm ngay cả ở những nước có nền viễn thông phát triển.
Cùng với nhiều dịch vụ tiện ích trên nền 3G, theo số liệu thống kê của VinaPhone, các khách hàng của nhà mạng này đã tăng mạnh tiêu dùng, đưa doanh thu dịch vụ phi thoại của VinaPhone chiếm tới 52% số cước thu được của toàn mạng, tăng trưởng doanh thu 3G là 60%, nhà mạng này cũng có số lượng thuê bao 3G lên tới gần 6 triệu. Đây là một con số đáng ngạc nhiên, bởi nó đột biến so với các năm trước nhưng lại hợp logic với sự phát triển mạnh mẽ của doanh thu 3G và các dịch vụ gia tăng mà nhà mạng này có được trong năm 2012. Chưa hết, sự phát triển mạnh mẽ của 3G cũng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng VinaPhone, đưa mạng này lọt vào “câu lạc bộ tỉ đô” với doanh thu gần 25.000 tỉ đồng trong năm 2012. Phó Tổng giám đốc VNPT, Giám đốc Công ty Vinaphone Lâm Hoàng Vinh cho biết: “Năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với các ngành cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế tuy nhiên cũng là năm đánh dấu Vinaphone có tốc độ tăng trưởng tốt nhất so với 17 năm vừa qua tính theo kết quả doanh thu thực”. Nguồn tin từ Viettel và MobiFone cho biết, 3G của họ cũng có tốc độ tăng trưởng rất mạnh.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường smartphone có hỗ trợ 3G là một điều kiện quan trọng giúp người sử dụng có công cụ để tiêu dùng các dịch vụ, giúp 3G phát triển mạnh mẽ hơn. Gần đây, các mạng di động, hãng sản xuất điện thoại cũng liên tiếp tung ra các mẫu smartphone giá rẻ chỉ có 1,5 triệu đồng. Đây được cho là là điểm nhấn quan trọng làm 3G tiếp tục bùng nổ trong năm 2013.
Thống kê của GfK cho thấy số lượng điện thoại chính hãng bán ra trong nước năm 2012 đạt gần 16 triệu máy với tổng doanh thu khoảng 27.000 tỉ đồng. Dấu ấn của năm 2012 là sự lên ngôi mạnh mẽ của các điện thoại thông minh, đặc biệt là smartphone hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Android. Thị phần dòng sản phẩm này chiếm tới 18% về số lượng và gần 50% về giá trị.
Dự báo của Ericsson tại Việt Nam chỉ ra rằng, tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 16%-21%, máy tính bảng tăng từ 2% lên 5%. Sự tăng trưởng này sẽ tạo tiền đề cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước. Ông Denis Brunetti, Phó tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam cho rằng, sự phổ cập smartphone với giá thành hợp lí đi kèm với các gói dịch vụ 3G sáng tạo, dịch vụ dữ liệu và ứng dụng có tính chất địa phương sẽ là những yếu tố kiên quyết giúp kinh doanh 3G phát triển mạnh và bền vững.
Trong ngành viễn thông Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ tiện ích cũng như doanh thu 3G từ các mạng di động có thể coi là điểm sáng của năm 2012. Theo dự kiến, năm 2013, xu hướng này vẫn có thể tiếp diễn bởi các mạng di động tiếp tục đặt các mục tiêu tăng trưởng cao cho 3G (có mạng dự kiến tăng 100% về doanh thu).
Theo ICTPress
Bình luận
Mình nghĩ rằng việc tb 3G tăng cũng một phần do tâm lý người dùng & do thị hiếu của thị trường thay đổi.
Nếu so với trước đây( trên nền GSM truyền thống ) người dùng di động đa phần chỉ có thói quen nghe gọi & nhắn tin SMS; Và khi đó khái niệm 3G còn khá xa lạ với mọi người ( vì chưa thấy được sự tiện dụng của nó) & cũng một phần vì giá cước nữa.
Thì sau này với sự bùng nổ của internet & các mạng xã hội ( điển hình là facebook) + với sự bùng nổ của Smartphone & máy tính bảng ( đa chủng loại hơn, giá thành phải chăng hơn & tính năng hấp dẫn hơn); Và người tiêu dùng PC cũng dần chuyển từ desktop sang laptop nhờ sự ra đời của nhiều dòng laptop giá rẻ cạnh tranh & các dòng ultrabook..
=> khi đó người tiêu dùng mới chú ý đến dịch vụ 3G ( chủ yếu để truy cập internet ) & khi đó các nhà mạng cũng bắt đầu giảm giá cước dịch vụ 3G để người tiêu dùng có thể dễ dàngg tiếp cận được.
=> 3G tăng trưởng là điều dễ hiểu.