Bất lực trong việc phục hồi mảng kinh doanh di động đang thua lỗ triền miên, gã khổng lồ Motorola thông báo sẽ "tách thành hai công ty độc lập", kinh doanh và giao dịch riêng rẽ kể từ năm tới.
Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu của hãng đã sụt gần 5%.
Giới đầu tư không khỏi lo ngại rằng tình hình kinh doanh của Motorola trong năm nay sẽ tiếp tục gây thất vọng, khi thị phần của hãng trên thị trường ĐTDĐ tiếp tục bị mất vào tay hai đối thủ Nokia và Samsung.
Bán - nhưng ai mua?
Theo giới phân tích, quyết định chia tách sẽ giúp Motorola có ưu thế hơn khi "đàm phán liên doanh hoặc bán bộ phận ĐTDĐ", vốn đang hoạt động không lấy gì làm hiệu quả cho lắm.
Hiện chưa có hãng nào đứng ra đòi mua lại bộ phận ĐTDĐ của Motorola, dù gã khổng lồ nước Mỹ đã hé lộ về dự định này từ cuối tháng 1.
Tuy nhiên, tách nhỏ ra sẽ giúp Motorola tìm thấy một nhà đầu tư chiến lược, kiểu như một hãng ĐTDĐ của Trung Quốc hoặc Nhật đang muốn mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ chẳng hạn.
"Vài quý tới sẽ là khoảng thời gian vô cùng khó khăn", nhà phân tích Mark McKechnie của American Technology Research nhận định. Theo đánh giá của ông, bộ phận ĐTDĐ của Motorola có thể đạt 2 USD/cổ phiếu, tương đương 4 tỷ USD.
Trong một năm qua, giá trị thị trường của Motorola đã sụt hơn 60%, chỉ còn lại khoảng 22 tỷ USD tại thời điểm hiện nay.
Chính nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn đã lớn tiếng kêu gọi Motorola "cưa đôi" để có thể tập trung sức lực và tài nguyên cho những bộ phận đang làm ăn có lãi. Carl Icahn hiện là cổ đông cá nhân lớn thứ hai của Motorola với 6% cổ phần trong tay.
Hiện đang đứng thứ ba trên thị trường ĐTDĐ toàn cầu, Motorola cho biết sẽ phải mất vài tháng mới có thể công bố kế hoạch chia đôi một cách cụ thể.
Dù đã thực hiện nhiều thay đổi và cải tổ lớn trong thời gian gần đây, song kết quả mà Motorola thu được không thật khả quan.
"Cần phải chia tách"
"Bộ phận ĐTDĐ cần có một êkip lãnh đạo xuất sắc hơn. Chỉ có chia tách mới đáp ứng được yêu cầu đó", Giám đốc điều hành Greg Brown tuyên bố.
Về tổng thể, Motorola sẽ tách thành hai công ty: Các giải pháp Băng thông rộng & Di động (kinh doanh cả thiết bị mạng lẫn đầu thu kỹ thuật số truyền hình) và ĐTDĐ. Hiện vẫn chưa rõ công ty nào sẽ được sở hữu thương hiệu Motorola.
"Hai công ty riêng biệt sẽ có thể tập trung tốt hơn cho việc phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu, đồng thời đẩy nhanh kế hoạch phục hồi thị trường ĐTDĐ", ông Brown nói thêm.
"Chúng sẽ kinh doanh độc lập với nhau, với cơ cấu vốn và quản lý khác nhau, được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu riêng của từng công ty".
Tình hình tài chính bết bát của Motorola trong 2 năm trở lại đây bắt nguồn từ việc hãng không thể tung ra hậu duệ nào xứng tầm với Motorola Razr V3, trong khi Nokia và Samsung liên tục trình làng nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn và hút khách.
Trên thực tế, phản ứng của giới phân tích trước quyết định "cưa đôi" của Motorola cũng khá trái ngược. Một số cho rằng đây là nước cờ lợi bất cập hại và có thể là cơ hội trời cho để Nokia hay Samsung giành hết thị phần.
Dự báo của giới phân tích về doanh số tiêu thụ của ĐTDĐ Motorola trong năm 2008 cũng bị hạ thấp, từ 145,6 triệu máy trước đây xuống còn vẻn vẹn 130,2 triệu máy.
Năm ngoái, hãng đã buộc phải rút lui khỏi nhiều thị trường đang phát triển và sa thải tới 7500 nhân viên. Giám đốc điều hành Ed Zander đã từ chức do không chịu nổi sức ép từ các cổ đông.
Sau ông Zander, một loạt các quan chức lãnh đạo cấp cao cũng dứt áo ra đi, càng khiến cho tình hình tại Motorola trở nên bất ổn hơn.
(Theo Vietnamnet/ AP, Reuteurs)
Bình luận