Thế giới công nghệ đang ở trong giai đoạn tạm lắng sau những bước tiến khổng lồ, để bước vào thời kì hậu tương lai với những câu hỏi rất thú vị.
Tại hội nghị MWC 2013 vừa qua, có thể thấy rõ sự lắng xuống của công nghệ di động khi không có các sự kiện thực sự làm chao đảo dư luận. Một số sản phẩm mới chỉ là bản nâng cấp của các dòng sản phẩm cũ, có chăng là thay đổi mẫu mã mới với những chiêu bài marketing mới. Điều này cũng xảy ra với CES - hội chợ công nghệ tiêu dùng - vừa qua. Ngay cả Apple cũng không có những bứt phá lớn như khi tung ra iPhone hay iPad và đang đi vào giai đoạn thoái trào.
Chững lại để tiến lên
So với thời kì bùng nổ công nghệ di động, khi mà có thể thấy sự tranh đua khốc liệt của các hãng lớn để có chân trong thị phần smartphone, sau đó là tablet, đến các nền tảng phân phối nội dung..., thì tình trạng hiện tại của ngành này có vẻ rất đáng thất vọng.
Trong khi đó, ngành máy tính lại phải đối đầu với sự thờ ơ của người tiêu dùng đối với những mặt hàng gần như là “cần câu cơm”. Sự cách tân quá đột ngột của Windows 8, lai tạo giữa máy tính bảng và máy tính để bàn, làm nhiều khách hàng lâu năm chùn chân. Máy tính bảng tablet cũng góp phần làm những nhu cầu phổ thông như tiêu thụ nội dung và liên lạc trở nên quá rẻ, máy tính xách tay trở thành không cần thiết.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng chúng ta đang ở trong thời kì mà công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới tất cả. Công nghệ di động đã đi trước và đạt ngưỡng cao nhất mà nó có thể. Bây giờ là lúc mà tất cả các “tay chơi” lớn của ngành công nghệ ngồi lại và suy tính bước tiếp theo. Những giải pháp đầu tiên cũng đang được nhen nhóm.
Những sản phẩm phổ thông
Nếu Apple đã đi trước ở mảng smartphone và tablet thì chính hãng này cũng đi đầu trong việc tạo ra một sản phẩm công nghệ không những gắn liền với cuộc sống hằng ngày mà còn dễ tiếp cận. Chính vì thế, xu hướng phát triển tiếp theo của ngành công nghệ là sẽ nhắm vào những sản phẩm phổ thông nhất.
Nổi trội nhất có lẽ là các sản phẩm TV thông minh. Đây là một phân khúc mà gần như tất cả các hãng lớn bé đều thử nghiệm. Sản phẩm Apple TV phần nào đó đã đi tiên phong nhưng chưa đạt đến mức có thể đem lại vị trí đứng đầu phân khúc “cũ mà mới” này. Nhiều phỏng đoán về một sản phẩm TV thông minh với tích hợp phần cứng máy tính và màn hình từ Apple sẽ là giải pháp để “vị vua” làng công nghệ này một lần nữa khuấy động thế giới.
Tuy nhiên, các thông tin và hình ảnh về dự án này gần như không tồn tại. Samsung, LG, Sony, thậm chí cả HP hay Intel..., đều đã đưa ra các giải pháp cho TV thông minh. Dù chúng có là những TV tích hợp tính năng cao cấp hay đầu gắn ngoài (set-top box), vẫn chưa sản phẩm nào trở thành một cú “hit”. Thậm chí, đối với người tiêu dùng, các tính năng được gọi là “thông minh” như kết nối Internet, chat video... có vẻ thừa thãi và không đủ để được chú ý. Trong khi đó, Google lại vẫn còn loay hoay với các sản phẩm Google TV, một hệ điều hành dành cho TV tương tự Android cho smartphone. Google TV cũng không đạt được mấy thành công.
Thú vị hơn là sự bành trướng của các máy chơi game console như PlayStation từ Sony và Xbox của Microsoft. Hai “đại gia” này liên tục tìm cách biến máy chơi game thành một trung tâm giải trí tại nhà. Tuy nhiên, một lần nữa, vẫn chưa có giải pháp thực sự đột phá nào. Có lẽ trở ngại lớn nhất của họ là việc thống nhất các nội dung giải trí với những nhà phát hành vốn vô cùng bảo thủ trước bước tiến của công nghệ. Tuy vậy, ngành TV thông minh chắc chắn sẽ là một chủ đề đáng theo dõi trong thời gian tới.
Máy tính tích hợp
Bước đột phá tiếp theo chắc chắn là các loại máy tính tích hợp, được gọi bằng tên gọi kĩ thuật là “phần cứng nhúng”. Đó là việc đem các công nghệ xử lí của máy tính vào những vật dụng hằng ngày. Một xu hướng có vẻ rất hứa hẹn cho phân khúc này là công nghệ máy tính đeo trên người. Nổi tiếng nhất và cũng độc đáo nhất là sản phẩm thử nghiệm mang tên Google Glass của hãng cùng tên.
Với ý tưởng của một sản phẩm rất hiện đại, cặp mắt kính thông minh Google Glass này có thể đem đến giao diện máy tính vào tầm nhìn của người sử dụng, một khả năng trước kia chỉ tồn tại trong phim viễn tưởng. Dù ứng dụng vẫn hạn chế trong giai đoạn còn rất sớm này, Google đang liên tục thúc đẩy sự tham gia của các nhà phát triển phần mềm và quảng bá khắp nơi như một “con bài chiến lược” của hãng.
Apple cũng không chịu kém. Tin đồn về một sản phẩm có thể là máy tính cá nhân thu nhỏ đeo trên tay đang làm giới phân tích thấp thỏm. Ngành máy tính tích hợp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên nhiều mặt của công nghệ tương lai, nhờ có khả năng ứng dụng gần như vô tận.
Thời kì hậu tương lai
Nếu như vào thập niên 1990, người ta tưởng tượng rằng thế giới trong thời kì tương lai sẽ có xe bay, robot phục vụ... thì thật đáng tiếc, thế giới hiện đại không thỏa mãn các mơ ước đó. Ngược lại, chúng ta có máy tính cá nhân với cấu hình mạnh gấp trăm lần máy thời kì đầu và chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay; mạng internet nối rộng toàn cầu với hàng trăm ngàn dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là khi công nghệ đã đạt đến mức phát triển như vậy ở thời kì hậu hiện đại thì vào thời kì hậu tương lai, ta sẽ có thể làm được gì nữa? Đó là một câu hỏi cực kì thú vị của… tương lai!
Theo Người Lao Động
Bình luận