Khi thị trường kết nối điện thoại quốc tế chiều về đang có mức giá tốt thì một vài doanh nghiệp nhỏ quay sang đòi được chia "miếng bánh" to hơn chứ không chịu cam phận bị chia đều trong 20% thị phần của dịch vụ này.
Lại "nóng" chuyện chia thị phần
Những tưởng thị trường kết nối điện thoại quốc tế chiều về sẽ yên ấm sau khi các doanh nghiệp đẩy được mức giá từ 2,6 cent lên 6,1 cent đúng như họ đã cam kết và đưa các doanh nghiệp nhỏ cung cấp dịch vụ này từ lỗ chuyển sang có lợi nhuận tốt. Song mọi chuyện không dừng tại đó.
Mới đây, Hanoi Telecom gửi đơn lên Bộ TT&TT tố cáo các doanh nghiệp có thị phần khống chế thường xuyên tìm mọi rào cản thương mại, kĩ thuật để chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Hanoi Telecom phản ánh đã bị VNPT và Viettel cắt giảm kênh kết nối để hạn chế lưu lượng quốc tế chiều về của họ. Doanh nghiệp này mong muốn nhận được sự quan tâm hướng dẫn của các cơ quan quản lí nhà nước mà Bộ TT&TT giữ vai trò trung tâm, nhằm đảm bảo việc kinh doanh dịch vụ có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Sở dĩ Hanoi Telecom gửi văn bản này bởi trước đó trong cuộc họp giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, phía Viettel đã đưa ra ý tưởng chống phá giá thị trường bằng cách quản lí quota (hạn mức) kênh kết nối. Cụ thể, sau khi xác định thị phần của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì VNPT, Viettel sẽ khống chế kênh kết nối sang mạng của hai nhà cung cấp này. Theo đó, VNPT và Viettel nắm 80% thị phần, những doanh nghiệp còn lại sẽ chia nhau 20% thị phần dịch vụ kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Viettel cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ khi được chia quota tương ứng với số kênh sẽ đảm bảo chỉ khai thác và giữ giá. Giả sử các doanh nghiệp nhỏ có phá giá dịch vụ thì với thị phần này cũng không làm ảnh hưởng đến thị trường chung.
Trước khi vấn đề phá giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về được dấy lên, các doanh nghiệp nhỏ cũng bày tỏ rằng có thể áp dụng hình thức quản lí theo quota lưu lượng để tránh việc phá giá dịch vụ. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ chia nhau tỉ lệ thị phần nào đó và không đổ lưu lượng kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về quá hạn mức này. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ yên tâm khai thác trong quota của mình.
Viettel cho biết, hiện nay các đối tác nước ngoài có hệ thống tự động đổ lưu lượng về những doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam có cước kết nối VoIP quốc tế chiều về thấp nhất chứ không cần đàm phán như trước. Do đó, việc phá giá dịch vụ VoiP quốc tế chiều về rất dễ xảy ra nếu các doanh nghiệp đua nhau hạ giá để hút lưu lượng.
Chưa có phương án tối ưu
Xét trên phương diện thị trường cạnh tranh, những đề nghị của Hanoi Telecom là có sở cứ. Thế nhưng, việc quản lí thị trường hiện rất khó khăn. Trên lí thuyết, Bộ TT&TT phải quản chặt mức giá sàn đã được ban hành và sẽ xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp nào vi phạm phá giá dịch vụ. Thế nhưng, trong nhiều năm qua cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách quản lí thị trường như đưa ra giá sàn nhưng vấn nạn phá giá vẫn diễn ra với 100% doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ luôn tiên phong phá giá).
Ở góc độ quản lí khác, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đề xuất là Bộ TT&TT có thể áp dụng hình thức phân chia quota cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách quản lí đó vi phạm những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã kí kết.
Một phương án nữa được nhắc đến là thành lập một tổ chức như Hiệp hội Viễn thông đóng vai trò phân bổ quota và phân xử tranh chấp giữa các thành viên. Đáng tiếc là câu chuyện này đến giờ vẫn chỉ là "nói xong bỏ đấy”, chỉ mang tính khẩu hiệu.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho rằng, hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu hơn phương án mà Viettel đề xuất ở trên. Tất nhiên, phương án đó có vẻ như là sự áp đặt của các “ông lớn” với những doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng, hiệu quả mà phương án này mang lại không phải là nhỏ cho cả quốc gia và các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ.
Theo ICTNews
Bình luận