Các chuyên gia Nhật Bản vừa trình diễn một hệ thống cảm ứng sinh học tí hon, cho phép ĐTDĐ theo dõi tình hình sức khỏe chủ nhân 24/24h trong một tương lai không xa. Mạng di động NTT DoCo hy vọng có thể tích hợp "Chip DNA" vào trong ĐTDĐ.
Loại chip này sẽ phân tích mọi phân tử, chỉ số bên trong cơ thể con người để đưa ra những lời cảnh báo cần thiết về virus, mức độ stress hay các tác nhân gây hại cho sức khỏe khác.
Tuy nhiên, có một vướng mắc là các phân tử cần phân tích bắt buộc phải "di chuyển" từ cơ thể người sang điện thoại, cụ thể hơn là tới con chip DNA. Các nhà nghiên cứu gọi đây là quy trình "Giao tiếp với phân tử".
"Chúng tôi đã tìm ra cách dịch chuyển một phân tử cụ thể giữa hai điểm đầu - cuối, sử dụng vật trung chuyển là protein", đại diện của mạng di động NTT DoCoMo cho biết.
Tế bào protein có thể dễ dàng tìm thấy bên trong các cơ và tế bào thần kinh con người. Trong nghiên cứu của NTT DoCoMo, các protein được sắp xếp thành những "trục thẳng" để dẫn đường đến con chip DNA.
Khi một phân tử xuất hiện thông qua mồ hôi, các protein vận động này sẽ "hộ tống" nó đến với vi cảm biến để phân tích.
"Toàn bộ quy trình này không cần nguồn điện hay tác động cơ học nào, nên chúng đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người dùng", NTT cho hay.
Tất nhiên, vẫn còn cả một quãng đường dài trước khi nghiên cứu này có thể được thương mại hóa.
Theo dự đoán của NTT DoCoMo, nhanh nhất thì cũng phải 5 năm nữa, hệ thống chip DNA hoàn chỉnh mới ra đời trong phòng thí nghiệm. Còn muốn nó sẵn sàng để đáp xuống thị trường, có lẽ phải cần tiếp 5 năm nữa.
(Theo Vietnamnet/PCWorld)
Bình luận