Theo ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện nay mới chỉ làm chủ được một số yếu tố công nghệ cao (CNC) mà chưa sở hữu được bất kì công nghệ nguồn nào thuộc lĩnh vực này.
Tại phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 31/03, các thành viên tham dự đều nhất trí với việc cần nhanh chóng xây dựng Luật Công nghệ cao. Luật này ra đời sẽ thúc đẩy quá trình phát triển CNC, đồng thời, đẩy nhanh quá trình ứng dụng và khai thác CNC.
Ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Việc đầu tư cho CNC còn quá thấp trong khi CNC là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, liên tục và hệ thống. Hơn nữa, CNC là lĩnh vực mà những tổ chức, quốc gia đang sở hữu luôn muốn nắm giữ như một bí quyết cạnh tranh chủ yếu mà không muốn trao cho quốc gia khác. Do đó, chúng ta cần có chính sách, chiến lược để từng bước chủ động để xây dựng nền CNC của chính mình”.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, hệ thống pháp luật về CNC hiện nay của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các văn bản pháp luật còn chưa đồng bộ và thiếu hướng dẫn cụ thể trong nhiều lĩnh vực.
Hơn nữa, các biện pháp khuyến khích, ưu đãi quy định trong dự thảo Luật còn tản mạn, thiếu các quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện, cơ chế công nhận và áp dụng chế độ ưu đãi nên việc thi hành Luật khó tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn.
Do đó, Luật CNC cần sớm ra đời nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ và đào tạo nguồn lao động kĩ năng chuyên nghiệp. Quá trình chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực CNC cần diễn ra theo hướng đẩy mạnh tìm kiếm, chuyển giao công nghệ cao và mới vào Việt Nam, tiến tới giải mã, làm chủ và hoàn thiện công nghệ nhập. Quá trình này cần có sự kết hợp chặt chẽ với việc tạo nguồn công nghệ trong nước và hình thành hệ thống ươm tạo doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp CNC.
Các thành viên của UBTVQH đều cho rằng hiện nay, dự thảo Luật còn mang tính luật khung. Một số nội dung trọng tâm như khái niệm CNC, lĩnh vực CNC và sản phẩm CNC được ưu tiên phát triển. Các chính sách ưu đãi, mức ưu đãi, việc tổ chức thẩm định, phê duyệt chế độ ưu đãi,… cần được đặc biệt quan tâm.
Với vai trò đặc biệt của quan trọng của CNC đối với tăng cường tiềm lực quốc gia, năng lực cạnh tranh sản phẩm và nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, dự kiến, dự thảo Luật CNC sẽ được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XII.
(Theo VTC)
Bình luận