Đại diện VinaPhone, MobiFone, Viettel đều khẳng định lượng tin nhắn rác nội mạng đã giảm đáng kể nhưng cả VinaPhone và MobiFone lại "bó tay" trong việc ngăn chặn, theo dõi tin nhắn rác xuất phát từ những nhà mạng khác.
Tin nhắn rác nội mạng giảm mạnh
Ngày 19/3, tại Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị định về chống thư rác trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng phòng Kinh doanh - Trung tâm Dịch vụ GTGT của VinaPhone cho biết, để quản lí tốt việc ngăn chặn tin nhắn rác, VinaPhone đã xây dựng hệ thống kĩ thuật cho phép phát hiện những DN phát tán tin nhắn rác với số lượng lớn hay cài đặt các phần mềm tự động gửi tin nhắn trừ tiền trong tài khoản mà người dùng không hề hay biết. Với những CSP (DN cung cấp dịch vụ nội dung trên di động có đầu số) vi phạm, VinaPhone đều nghiêm túc xử lí bằng cách biện pháp như không phân chia doanh thu hay treo đầu số.
"VinaPhone kiên quyết xử lí nạn tin nhắn rác dù việc này làm doanh thu giảm đi đáng kể vì chúng tôi cho rằng đây là những doanh thu ảo do khách hàng bị lừa nên làm theo hướng dẫn và dẫn đến việc tài khoản bị trừ tiền", ông Hải cho biết thêm.
Trong năm 2012, VinaPhone đã xử lí gần 100 CSP nên số lượng tin nhắn rác nội mạng VinaPhone đã giảm rất lớn so với 2011. Đầu năm 2013, số lượng tin nhắn rác nội mạng gần như không còn và chủ yếu chỉ xuất hiện những tin nhắn từ nhà mạng khác. "Do một mình VinaPhone không thể xử lí được nên thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà mạng khác để xử lí tin nhắn rác ngoại mạng", ông Hải nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại diện MobiFone cho hay, đơn vị này đang phân chia tin nhắn rác ra làm 2 loại, một loại là tin nhắn rác quảng cáo những dịch vụ giá trị gia tăng của các CSP và CP (DN cung cấp nội dung không sở hữu đầu số) và tin nhắn rác quảng cáo các dịch vụ thông thường như bán chăn ga gối đệm, siêu thị... Với loại tin nhắn rác thứ nhất, MobiFone sẽ xử lí như không phân chia doanh thu, ngừng kết nối và yêu cầu giải trình; nặng hơn nữa là cắt đầu số, ngưng hợp đồng với CSP đó. Nhưng với loại tin nhắn rác thứ 2, MobiFone không đủ thông tin và thẩm quyền để xử lí.
Giống như VinaPhone, MobiFone cũng gặp khó trong việc ngăn chặn, theo dõi các tin nhắn rác xuất phát từ những nhà mạng khác và sắp tới sẽ có biện pháp phối hợp xử lí.
Theo đại diện Viettel Telecom, trong tháng 2 - 3/2013, số lượng tin nhắn rác giảm khoảng 1/3. Số lượng khách hàng phản ánh về tin nhắn rác đến Viettel cũng giảm đáng kể, trước đó trung bình mỗi tháng, trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel nhận được khoảng 8.000 cuộc gọi khách hàng thì 2 tháng đầu năm 2013 chỉ còn khoảng 1.500. "2 tháng đầu năm, Viettel đã tạm thời dừng kết nối và rút doanh thu của 7 CSP vi phạm", đại diện Viettel nói.
Đối với tin nhắn rác ngoại mạng, Viettel không vất vả như VinaPhone và MobiFone, nhà mạng này đã chủ động khóa đầu số và cắt kết nối với các CSP vi phạm.
CSP cần quản lí chặt chẽ hơn các CP
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định, dù tháng 11/2012, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác nhưng qua thanh tra, kiểm tra thấy vẫn còn một số đơn vị cố tình vi phạm. Tiêu biểu như Công ty Hà Thành, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt 929 triệu đồng hay Công ty Tinh Vân Telecom với mức phạt 683 triệu đồng vào đầu tháng 3/2013. "Đó là chưa kể các hình thức trừ tiền tự động trên smartphone do cài đặt các game mà khi truy tìm cũng không thể xác định được do đơn vị nào vi phạm", đại diện Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định.
Cũng theo Thanh tra Bộ TT&TT, hiện có khoảng 400 công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CSP) trên mạng di động và các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CSP này trực tiếp cung cấp hoặc kí kết với hàng chục, hàng trăm công ty vệ tinh khác (CP) để cùng cung cấp dịch vụ. Khi kiểm tra các CSP, Thanh tra Bộ đã phát hiện ra nhiều CP có địa chỉ ở vùng quê, khó có thể cung cấp được dịch vụ có ích cho khách hàng hay thậm chí có cả một số cá nhân, dẫn đến những đầu số 1900 chỉ phát đi phát lại những bài hát mà thu đến 15.000 đồng của khách hàng hay nhắn tin lừa đảo khách hàng trúng Air Blade để dụ người dùng nhắn tin. "Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thưc rõ, rà soát lại các CP mà đơn vị mình kí hợp đồng, tránh trường hợp khi cơ quan quản lí đi thanh, kiểm tra các CP vi phạm thì CSP trực tiếp kí hợp đồng lại chối bỏ trách nhiệm", đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, dù theo báo cáo của các nhà mạng, tin nhắn rác đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: chưa quản lí được CP khi vẫn để cho các CP "muốn làm gì thì làm". "Thời gian tới, các CSP phải quản lí được các CP của mình, không để tình trạng người dân mất tiền mà không biết tìm ai để kiện", ông Quang khẳng định.
Hà Nội: Công bố dự thảo quy trình xử lí số điện thoại, đầu số nhắn tin sai phạm
Theo đó, người cung cấp thông tin về tin nhắn rác có thể cung cấp tại 2 địa điểm: Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã và Phòng tiếp dân của Sở TT&TT Hà Nội; phải đảm bảo thông tin cung cấp có căn cứ cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã cung cấp. Nơi tiếp nhận thông tin cần chụp lại ảnh về tin nhắn rác để lưu giữ chứng cớ và thống kê gửi về Sở TT&TT Hà Nội. Trên cơ sở đó, Phòng Bưu chính - Viễn thông của Sở TT&TT Hà Nội sẽ tổng hợp những số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định của các đơn vị gửi về và tham mưu với Lãnh đạo Sở ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp thông tin di động ngừng cung cấp dịch vụ, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh, thu hồi đầu số với các CSP, CP.
Doanh nghiệp di động báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về chủ thuê bao hoặc thông tin chi tiết về doanh nghiệp đã kí kết đầu số với mình về Sở TT&TT sau 10 ngày kể từ khi nhận được văn bản của Sở.
Theo ICTnews
Bình luận