Huawei và ZTE là hai đại gia sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Cuối năm 2012, Huawei là nhà sản xuất có doanh số đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ericsson, còn ZTE năm 2011 cũng được xếp trong Top 10 nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Ngày 21/1/2013, ZTE đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012, dự kiến lãi ròng trên thị trường chứng khoán của Công ty mẹ (Tập đoàn ZTE) sụt giảm từ 221,35% đến 240,77% , thua lỗ từ 2,5 đến 2,9 tỉ nhân dân tệ. Trong khi đó Đại gia sản xuất viễn thông số 1 của Trung Quốc - Tập đoàn Huawei không những thu lãi 15,4 tỉ nhân dân tệ mà còn quyết định nâng mức thưởng cuối năm của Tập đoàn lên 12,5 tỉ nhân dân tệ.
Nếu so sánh kết quả kinh doanh của Huawei và ZTE thì có một sự tương phản rõ rệt: Doanh số năm 2012 của Huawei đạt 220,2 tỉ nhân dân tệ, so với năm 2011 tăng 8%, lãi ròng đạt 15,4 tỉ nhân dân tệ, so với năm trước tăng 33%. Trong khi đó, theo báo cáo của ZTE thì doanh số quý 4/2012 của ZTE giảm 18%, tổng doanh số 2012 của ZTE giảm chút ít so với tổng doanh số năm 2011. Khoảng cách giữa ZTE và Huawei lại càng tăng lên.
Tập đoàn ZTE cho rằng các nguyên nhân sau đây đã dẫn đến việc thua lỗ của Công ty: việc kí kết một số các hợp đồng hệ thống trong nước bị kéo dài, giá cả thiết bị đầu cuối xuống thấp, tiến độ của một số công trình trúng thầu quốc tế triển khai chậm, và thừa nhận một số hợp đồng có tỉ suất lợi nhuận quá thấp.
Đứng trước tình hình thua lỗ nặng nề này, trong năm 2012 ZTE đã 3 lần bán bớt quyền sở hữu các công ty con của mình như: 68% quyền sở hữu công ty thiết bị đặc chủng, 81% quyền sở hữu công ty đầu tư Trường Phi và mới đây là 81% quyền sở hữu công ty TNHH kĩ thuật Trung Hưng - Lực Duy Thâm Quyến thu về khoảng 1,63 tỷ đến 2,17 tỉ nhân dân tệ.
Các chuyên gia trong ngành viễn thông cho rằng: trong môi trường toàn cầu hóa, việc kinh doanh viễn thông đang trong tình trạng suy thoái, sự khác biệt tương phản giữa hai đại gia sản xuất viễn thông của Trung Quốc chính là do sai lầm ở việc dự báo thị trường và trong tiến trình cải cách. Đồng thời cũng cho các doanh nghiệp Trung Quốc có các dịch vụ làm ăn quốc tế một gợi ý quan trọng: Khi gặp phải môi trường kinh doanh thay đổi phải dám mạnh dạn tiến hành cải cách kịp thời.
Một chuyên gia trong ngành viễn thông nhận xét: “Hai năm trước đây ZTE mở rộng thị trường quá nhanh nhưng tín dụng trong thương mại lại rất yếu. Các hợp đồng yêu cầu giao hàng rất khắc nghiệt cũng dám nhận. Lúc đó chúng tôi đều cho rằng, chẳng bao lâu nữa ZTE sẽ chịu không nổi và sẽ xảy ra hậu quả, cũng tương tự như võ sĩ chưa luyện tốt nội công đã dám công trực diện, tất nhiên sẽ đánh không nổi bao lâu. Mặc dầu đã dự báo ZTE sẽ thua lỗ nhưng không ngờ lại thua lỗ nặng đến như vậy”.
Ngay từ năm 2011, năng lực thu lãi của ZTE đã tỏ ra đuối sức. Báo cáo giữa kì của ZTE cho thấy lãi ròng năm 2011 đã tụt xuống 2,06 tỉ nhân dân tệ so với 3,25 tỉ nhân dân tệ của năm 2010, giảm 68,84% lợi nhuận so với năm 2010.
Các chuyên gia trong ngành ICT cho rằng nguyên nhân chính cho việc thua lỗ nặng nề của ZTE trong năm 2012 chính nằm ở sách lược phát triển thiếu chuẩn xác của ZTE, mà trong đó theo đuổi quá mức doanh số hàng năm là một trong những nguyên nhân chủ yếu.
Công ty nghiên cứu chứng khoán Quốc Kim của Trung Quốc thì cho rằng: Nhìn bề ngoài thì việc thua lỗ nặng nề của ZTE là do nguyên nhân khách quan nhưng thực chất chính là do trình độ quản lí của ZTE không theo kịp với quy mô mở rộng thị trường. Hiệu suất quản lí thấp chủ yếu biểu hiện ở các cơ chế khảo sát mục tiệu, định giá sản phẩm, quản lí tiến độ các công trình v.v... chưa hợp lí.
Tổng giám đốc Mạng thông tin Phi Tượng của Trung Quốc thì nhận xét: Trước năm 2005, ZTE và Huawei có vẻ không hơn thua nhau bao nhiêu, nhưng sau đó, Huawei nhạy bén cảm nhận được các cơ hội thị trường của các nhà khai thác đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và mô hình sản xuất, không ngừng phát huy thế mạnh trên thị trường quốc tế và trước mắt đã chiếm vị trí thứ 2 thế giới trong các nhà sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới và còn có khả năng vượt lên. Trong khi đó ZTE không tăng nhanh được nhịp độ, vẫn quanh quẩn ở vị trí thứ 4 và thứ 5. Không thể xem nhẹ vị trí xếp hạng trên thị trường quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường viễn thông quốc tế đang có chiều hướng ảm đạm. Nhiều nhà khai thác chắc chắn sẽ chọn các nhà sản xuất ở vị trí 1 hoặc 2. Càng tụt phía sau thì càng khó có cơ hội.
Chuyên gia phân tích về truyền thông Phù Lượng còn có thêm nhận xét: Năm 2012 ZTE rơi vào tình trạng thua lỗ có liên quan đến việc trước đó họ đã kí một số hợp đồng quốc tế “không lành mạnh”. Những hợp đồng “Lấy giá rẻ đổi thị trường” với tỉ suất lợi nhuận thấp này cần có thời gian mới tiêu hóa được. Ông Phù Lượng còn gợi ý “ZTE muốn xoay chuyển tình hình từ lỗ sang có lãi không phải là quá khó. Vấn đề then chốt là ở mức độ cải cách. Nếu vẫn bình chân như vại, say sưa làm việc theo cơ chế cũ thì chắc chắn kinh doanh khó mà khởi sắc được.
ZTE đang làm khá nhiều việc để xoay chuyển tình hình như: thành lập nhóm chuyên gia “Khắc phục tình trạng thua lỗ” do Phó Tổng giám đốc điều hành lãnh đạo, tiến hành tối ưu hóa hoặc cắt lỗ đối với một bộ phận các hợp đồng thua lỗ, bán một số chi nhánh để thu lại khoản tiền đầu tư đang dàn trải và thiếu hụt. v.v... Theo quy hoạch của ZTE họ sẽ tiến hành cải cách một cách toàn diện: Giảm bớt nhân lực dư thừa, nghiêm khắc tiến hành thi tuyển nhân viên, nâng cao chất lượng cán bộ. Cuối năm 2012 đã giảm bớt được 9% tổng số nhân viên, năm 2013 vẫn lấy chất lượng và năng suất của nhân viên làm mục tiêu tiết giảm. Một trọng tâm cải cách khác là thay đổi cơ cấu sản phẩm và khu vực kinh doanh: Loại bỏ các thị trường không đạt mục tiêu yêu cầu, loại bỏ các sản phẩm vòng ngoài hiệu suất thấp, tập trung nhân lực và tài lực cho các thị trường trọng điểm và chất lượng cao.
Trong điều kiện trong nước đang triển khai mạng 4G theo công nghệ TD-LTE và các hợp đồng 4G khác trúng thầu quốc tế, ZTE vẫn còn nhiều cơ hội khắc phục thua lỗ và tiếp tục phát triển.
Qua sự phát triển khác nhau của 2 đại gia sản xuất thiết bị ICT hàng đầu của Trung Quốc và việc thua lỗ nặng nề của ZTE trong năm 2012, báo chí Trung Quốc và các chuyên gia ICT rút ra 4 bài học sau đây cho các doanh nghiệp trong ngành:
1/ Trong môi trường toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể vươn ra tầm thế giới và giữ một vị trí xứng đáng, tuy nhiên trong khi thiết kế tốt chiến thuật phải đồng thời xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, phải tỉnh táo đánh giá đúng năng lực và vị trí của doanh nghiệp mình trên thị trường thế giới và khả năng trở thành hiện thực của nó, tuyệt đối tránh tâm lí nóng vội, lấy lợi ích ngắn hạn trước mắt làm lu mờ mục tiêu lâu dài.
2/ Căn cứ sự thay đổi và biến động của thị trường, doanh nghiệp cần mạnh dạn tiến hành cải cách kịp thời, đúng thời điểm.
3/ Các doanh nghiệp khác nhau, quy mô khác nhau thì phải tìm ra đặc thù của riêng doanh nghiệp mình. Khi gặp phải khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng phải nhanh chóng tìm ra thị trường đột phá khẩu của mình.
4/ Cuối cùng phải nói đến việc Huawei dành 12,5 tỉ nhân dân tệ trong tổng số 15,4 tỉ lãi ròng năm 2012 để làm tiền thưởng sẽ làm cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp này tập trung toàn bộ tinh lực và trí sáng tạo thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tiến lên. Ma lực của cách quản lí dũng cảm và sáng tạo này đáng để cho nhiều doanh nghiệp ICT học tập, làm theo.
Theo ICTPress
Bình luận