Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với VNPT để tiếp quản doanh nghiệp này theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ TT&TT vừa có buổi làm việc chính thức đầu tiên với VNPT trên cương vị đại diện chủ sở hữu nhà nước tại tập đoàn này, đồng thời chỉ đạo VNPT hoàn thiện đề án tái cơ cấu của tập đoàn để Bộ sớm trình Chính phủ.

Thẳng thắn nhìn nhận ưu, nhược điểm của VNPT

Ngày 21/3/2012, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với VNPT để tiếp quản doanh nghiệp này theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Tại buổi làm việc, VNPT đã báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT những mục tiêu, cơ cấu kinh doanh dịch vụ và mô hình của tập đoàn.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT xác định mục tiêu tập trung hoạt động kinh doanh chính là lĩnh vực viễn thông, CNTT. Dù lĩnh vực bưu chính đã được tách ra nhưng VNPT vẫn đề xuất được hoạt động trong lĩnh vực bưu chính và các dịch vụ liên quan tới tín dụng, tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, VNPT sẽ hạn chế đầu tư ra ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực chứng khoán ngân hàng, tài chính, bất động sản để tập trung nguồn lực cho các ngành nghề kinh doanh chính. VNPT quyết định không hoạt động trong các ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản không liên quan hoặc không hỗ trợ cho ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông, CNTT bằng cách thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực này. Nhưng để tận dụng lợi thế và nâng cao hiệu quả khai thác về hạ tầng viễn thông, CNTT, các công trình kiến trúc thuộc sở hữu của Tập đoàn,VNPT sẽ hợp tác với các đối tác để thành lập mới, duy trì những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề chính hoặc ngành nghề có liên quan tới các ngành nghề chính của VNPT.

Cũng theo ông Đức, từ năm 2008 đến 2012 là giai đoạn có nhiều thách thức đối với VNPT. Bước vào năm 2008 là giai đoạn suy giảm phát triển, đặc biệt là có những vụ việc tiêu cực lớn, tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức bộ máy tập đoàn. Đây cũng là giai đoạn tiến trình tổ chức biến động lớn: tách bưu chính ra khỏi viễn thông, đưa bưu chính ra hoạt động độc lập và VNPT phải chuyển đổi lĩnh vực đầu tư từ cố định qua lĩnh vực khác như di động, 2G, 3G.

5 năm qua, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của VNPT vẫn đảm bảo, tăng trưởng. Bình quân tổng doanh thu của VNPT đạt 96.000 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân 9.755 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7.698 tỉ đồng. Đây là minh chứng cho sự cố gắng của VNPT, trong đó tập trung vào vấn đề hiệu quả và sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, VNPT đã phóng thành công 2 vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, tăng cường thêm năng lực hạ tầng của tập đoàn cũng như quốc gia.

Tuy nhiên, ông Phan Hoàng Đức cũng thắng thắn đánh giá: khi VNPT chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế thị trường đã gặp những khó khăn trong việc chuyển đổi bộ máy, con người, cơ chế hoạt động. Việc tìm ra cơ chế phù hợp là một trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo VNPT. Thời gian qua, VNPT đã đáp ứng được phần nào yêu cầu này, song cơ chế nội bộ ban hành muộn gây ra nhiều trở ngại cho VNPT: vẫn còn tình trạng cạnh tranh lẫn nhau trong nội bộ tập đoàn, lực lượng lao động đông cũng là áp lực rất lớn (hiện VNPT có trên 53 nghìn người thì riêng công ty mẹ đã có tới 45 nghìn người), các doanh nghiệp công nghiệp CNTT của VNPT trước đây rất phát triển nhưng giờ cũng lúng túng trong định hướng sản phẩm mới .

Ông Phan Hoàng Đức cho hay, mục tiêu kế hoạch từ 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được VNPT xây dựng xong và trình Bộ TT&TT. Trong đó, mục tiêu tổng quát là đưa VNPT hiện đại, rộng khắp về mạng lưới, tiên tiến về công nghệ, đa dạng về dịch vụ... và tiếp tục khẳng định VNPT là Tập đoàn chủ lực kinh tế quốc gia trong phát triển hạ tầng, phát triển CNTT- Viễn thông, bảo đảm an ninh quốc phòng. Chiến lược xây dựng VNPT được chia làm 2 giai đoạn: từ nay đến 2015 sẽ chuẩn bị các điều kiện để chuyển qua giai đoạn mới về tổ chức, hệ thống, điều hành, quản trị; giai đoạn 2 (đến 2020) là cổ phẩn hóa toàn tập đoàn, đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt doanh thu từ 13 đến 17 tỉ USD.

“ Mục tiêu của VNPT là chuyển đổi cơ bản để công ty mẹ tập trung đầu tư tài chính, còn lại các khối dựa trên 3 lớp gồm dịch vụ, hạ tầng và kinh doanh”, ông Phan Hoàng Đức nhấn mạnh.

Tái cơ cấu để VNPT xứng đáng là tập đoàn chủ lực

Phát biểu tại buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá VNPT vẫn là một tập đoàn lớn mạnh của đất nước. “Năm 2012, có hơn 2.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản, nhiều tập đoàn kinh tế gặp khó khăn nhưng chúng ta tự hào rằng có những tập đoàn trong ngành như Viettel, VNPT vẫn phát triển vững mạnh để khẳng định vị thế, vai trò của mình trong việc làm nòng cốt cho kinh tế và giữ vai trò chủ đạo. Năm 2012, VNPT, Viettel đã đóng góp gần 1 tỉ USD cho Nhà nước - đó là một thành tích lớn đáng ghi nhận. Chúng ta có thể tự hào vì Viettel và VNPT đã thắng trên sân nhà và làm chủ được thị trường trong nước. Có thể nói, VNPT gặp nhiều khó khăn song vẫn giữ vững vị thế là 1 tập đoàn mạnh, chủ lực trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế của VNPT như: gần đây doanh thu tăng lên nhưng lợi nhuận giảm đi, điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh có vấn đề; thêm vào đó VNPT đang có tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp. Về tổng thể, VNPT có truyền thống, nguồn lực lớn, có thị trường tương đối ổn định, hạ tầng tốt hơn những tập đoàn khác song phát triển chưa tương xứng với nguồn lực đó. Hiện tỉ lệ giữa công ty mẹ và các công ty thành viên không tương xứng với doanh thu. Cụ thể, VMS MobiFone chỉ chiếm lượng lao động nhỏ với 5.672 người so với gần 50.000 người của tập đoàn, nhưng hầu hết doanh thu và lợi nhuận của VNPT đến từ công ty này. Bộ trưởng cho rằng, những bất hợp lí trên là điều mà VNPT phải nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục cũng như điều chỉnh trong quá trình tái cơ cấu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định cho dù VNPT vẫn được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và an toàn, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong 5 năm qua giảm và đi xuống. VNPT phải phân tích nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém này, đánh giá xem chiến lược kinh doanh có vấn đề gì không? Thứ trưởng cũng yêu cầu VNPT xem xét lại hoạt động kinh doanh các dịch vụ của mình để điều chỉnh cho phù hợp với thị trường và sắp xếp lại những doanh nghiệp thành viên để tránh tình trạng các doanh nghiệp na ná nhau cùng sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và các đơn vị chức năng của Bộ đã giải đáp nhiều kiến nghị của VNPT như việc phân chia tài sản giữa VNPosst và VNPT, đánh giá, phân loại doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ điện thoại cố định, hỗ trợ xử lí những vụ gian lận cước viễn thông…

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ TT&TT đang chỉ đạo VNPT hoàn thiện đề án tái cơ cấu để Bộ sớm trình Chính phủ trong thời gian tới. Đề án tái cơ cấu VNPT sẽ được xây dựng một cách công khai, minh bạch nhằm đưa VNPT trở thành tập đoàn hùng mạnh có cơ cấu ngành nghề hợp lí xứng đáng với nguồn lực và vị trí của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành Nước mạnh về CNTT - TT theo như mục tiêu của Chính phủ. Nhằm triển khai tốt đề án tái cơ cấu, lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ thăm và làm việc với nhiều đơn vị thành viên chủ chốt của tập đoàn để nắm rõ tình hình hoạt động của các đơn vị, từ đó hỗ trợ tập đoàn xây dựng đề án tái cơ cấu cho phù hợp với xu hướng phát triển và nguồn lực của VNPT.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)