Cuối thập niên 1990 được xem là thời kì bắt đầu phát triển của mô hình kinh doanh âm nhạc trực tuyến, từ đó phần nào bù đắp cho sự suy giảm trong mua bán đĩa CD theo lối truyền thống. Trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh này đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ hơn.
Những tín hiệu mới
Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) đã thu thập dữ liệu và dự báo rằng ngành công nghiệp âm nhạc đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Tại các cửa hàng trực tuyến như iTunes của Apple, dịch vụ âm nhạc trực tuyến như Spotify và Deezer, doanh thu từ âm nhạc kĩ thuật số đã và đang tăng lên rõ rệt.
Một số bài hát được tải về một cách hợp pháp trong năm 2012 như Call Me Maybe của Carly Rae Jepson đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên mạng và nữ ca sĩ người Anh Adele bán được nhiều nhất bản sao kĩ thuật số album của cô.
Báo cáo của IFPI cũng cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ của giới tiêu dùng: họ chấp nhận trả tiền cho dịch vụ âm nhạc hợp pháp. Theo số liệu điều tra, cứ mười người nghe nhạc cung cấp trực tuyến thì có tám người chấp nhận trả phí.
Từ những yếu tố đó, ông Rob Wells – Chủ tịch Tập đoàn Universal Music (chuyên cung cấp âm nhạc kĩ thuật số toàn cầu) đã tỏ ra phấn khởi khi nói về doanh thu âm nhạc trong năm 2013 như sau: “Tương lai vô cùng tươi sáng. Ngành công nghiệp đã chuyển sang một hướng mới, bản thân tôi thấy mình lạc quan hơn bao giờ hết”.
Ông còn nói thêm: “Tôi cho rằng năm 2013 hoàn toàn an toàn để đánh cược vào đó. Tuy nhiên, mặc cho những tin tức tích cực, chúng ta vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để đối phó và đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền”.
Ông Edgar Berger – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Music Entertainment cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm của người đồng nghiệp: “Tôi nghĩ rằng môi trường đang thay đổi thuận lợi và chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào điều đó”.
Ngoài ra, bà Frances Moore – Giám đốc điều hành IFPI cũng tỏ ra lạc quan không kém khi nói đến kết quả đã thu được trong những năm qua và nhìn thấy chân trời mới đang mở ra trong năm 2013 này.
Bà cho biết rằng các dịch vụ âm nhạc kĩ thuật số hợp pháp đã lan rộng đáng kể trong năm ngoái, đến những 58 quốc gia (trong năm 2010 mới chỉ đến được 23 nước).
Bà hoan nghênh sự xuất hiện của các hình thức truy cập âm nhạc mới, bao gồm cả các dịch vụ điện toán đám mây như iTunes và cho biết số lượng thuê bao đến các trang web như Spotify và Deezer đã từ 8,2 triệu (năm 2010) nhảy vọt lên 13,4 triệu (năm 2011).
Đại diện của IFPI cũng kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới kiểm soát bản quyền chặt chẽ hơn, tăng cường hợp tác thông qua các công cụ tìm kiếm như Google để giúp những người hâm mộ âm nhạc dễ dàng tìm thấy các trang web cung cấp âm nhạc số hợp pháp và ngăn ngừa các trang web bất hợp pháp.
Cuộc cạnh tranh của hai đại gia
Trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc trực tuyến, hiện có sự tham gia của hai đại gia là Google và Apple. Dù mới tham gia vào hình thức kinh doanh này được một thời gian ngắn nhưng Google đã tỏ ra là họ hoàn toàn có “năng khiếu”. Điều này không những được thể hiện qua doanh số, mà còn qua chiến lược kinh doanh mới mà hãng này luôn thay đổi để nâng cao hơn nữa vị thế của mình.
Trong năm 2013, Google chuẩn bị cho ra đời dịch vụ truyền nhạc miễn phí nhằm cạnh tranh với những tên tuổi chuyên về nhạc trực tuyến như Spotify, Pandora, Slacker và Deezer.
Mặc dù đã có dịch vụ tải nhạc giống như YouTube, nhưng công ty này vẫn muốn mang đến cho người dùng dịch vụ nhạc mới mẻ hơn là Streaming. Theo dự kiến, khi khởi động, dịch vụ này sẽ cung cấp khả năng truy cập hàng triệu bài hát khác nhau.
Trước đó, Google cũng đã lên kế hoạch ra mắt dịch vụ trả tiền thuê bao trên YouTube, cho phép người dùng xem các chương trình và các nghệ sĩ yêu thích của mình.
Theo giới phân tích, dịch vụ nhạc trực tuyến của Google sẽ là một phần mở rộng cho dịch vụ tải nhạc mà họ đã tung ra từ tháng 11/2011, hiện đã có mặt tại Mỹ và năm quốc gia châu Âu. Cho đến nay, dịch vụ Google Music đã có hơn 1.000 đối tác cung cấp nhạc.
Vậy mà Google cũng bị Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) cảnh cáo về hành vi có thể vi phạm bản quyền nội dung. Người đại diện của Google cho rằng một khi dịch vụ nhạc Streaming xuất hiện trên thị trường, họ sẽ cho phép người dùng truy cập miễn phí không giới hạn các bản nhạc, nhưng nhạc sẽ đi kèm quảng cáo, điều mà các dịch vụ khác như Slacker, Spotify hay các dịch vụ khác đã làm.
Apple chính là một trong những đối thủ đáng gờm của Google. Trong vài năm qua, hãng này đã có ý định tung ra dịch vụ nhạc trực tuyến dựa trên thuê bao của họ nhưng đã gặp ít nhiều trở ngại trong việc đàm phán với các hãng đĩa lớn, do đó đến nay ý định ấy vẫn chưa trở thành hiện thực.
Google đang có ý định tung ra thị trường một dịch vụ nhạc trực tuyến riêng trên nền tảng Android tương tự như Spotify để tăng thêm khả năng tiếp cận với các thiết bị di động. Trước sức ép đó, Apple đang cố gắng tăng tốc để không bị Google vượt mặt.
Hình thức kinh doanh âm nhạc trực tuyến đem lại nhiều điều tiện ích và nhiều sự lựa chọn cho người nghe nhạc. Hơn nữa, sự tham gia của các tên tuổi lớn cũng góp phần đưa hình thức kinh doanh này lên một tầm cao mới để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thưởng thức âm nhạc – một món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng tỉ người yêu nhạc trên khắp thế giới.
Theo DNSG
Bình luận