Hiện nay, ước có khoảng 79 triệu người dùng điện thoại di động BlackBerry trên toàn thế giới - và chính quyền Ấn Độ muốn chuyển giao dữ liệu của mỗi chiếc điện thoại cho cơ quan tình báo nước này.

Vào cuối năm 2012, trong một chương trình mang tên “Nghiên cứu thói quen sử dụng điện thoại di động”, Công ty Quản lí điện thoại di động BlackBerry đã làm việc với chính quyền Ấn Độ cho phép giám sát các tin nhắn Black Berry Messenger và các email thuộc dịch vụ mạng BlackBerry Internet Service. Nhưng hiện nay, chính quyền Delhi than phiền họ chỉ có thể theo dõi những giao tiếp của khoảng 1 triệu người dùng BlackBerry ở Ấn Độ - trong khi đó tình báo Ấn Độ muốn có danh sách của "toàn bộ" những chiếc điện thoại BlackBerry trên toàn cầu!

Mỗi chiếc BlackBerry được cấp một mã pin duy nhất dùng để gửi tin nhắn miễn phí đến những người dùng BlackBerry khác. Dịch vụ gây lo ngại cho cơ quan an ninh bởi vì những tin nhắn này - được gửi mã hóa qua các máy chủ đặc biệt - khó thể đọc lén được và do đó mà bọn tội phạm thường sử dụng nó để tránh né sự theo dõi của nhà chức trách.

Tuy nhiên, mặc dù chính quyền Ấn Độ cho biết tình báo nước này được cung cấp danh sách toàn bộ các mã pin của những người dùng BlackBerry trong nước - nghĩa là việc giám sát giao tiếp của những người dùng này hiện khả thi - nhưng họ vẫn chưa có các mã pin của những người dùng bên ngoài biên giới Ấn Độ. Điều đó gây khó khăn cho tình báo Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ xác định và nghe lén thông tin được trao đổi giữa người Ấn Độ và người nước ngoài.

Theo tạp chí Economic Times của Ấn Độ, "chính quyền Ấn Độ muốn được cung cấp các mã pin của tất cả thiết bị di động này trên toàn cầu nhằm giúp các cơ quan tình báo nước này thu thập thông tin trao đổi giữa các thuê bao trong nước và những người sống ở nước ngoài".

Công ty BlackBerry ban đầu không muốn cung cấp dữ liệu này do quan ngại về "quyền riêng tư và những điều khoản pháp lí", song sau đó phải nhượng bộ chính quyền Ấn Độ vì bị đe dọa sẽ không được tiếp tục hoạt động ở nước này.

Ấn Độ không là quốc gia duy nhất tìm cách thu thập dữ liệu như thế, mà những nỗ lực tương tự cũng diễn ra trên khắp thế giới đầy biến động hiện nay. Cuối năm ngoái, Pakistan cũng cho lắp đặt những thiết bị nghe lén hiện đại nhằm "hạn chế những trang web bẩn và báng bổ".cũng như giám sát những cuộc giao tiếp qua điện thoại di động với mục đích chống khủng bố.

Mỹ, Australia và Anh cũng đang có những nỗ lực nâng cấp các khả năng nghe lén của họ. Ở Mỹ hay châu Âu, bất cứ cuộc tranh cãi nào giữa các công ty viễn thông và chính quyền liên quan đến gián điệp nghe lén đều diễn ra trong những căn phòng đóng kín. Nhưng, chính quyền Ấn Độ có lẽ muốn công khai thương lượng với các công ty viễn thông.

Không chỉ có BlackBerry mà chính quyền Ấn Độ còn muốn khai thác thông tin ở Skype, Yahoo và Gmail.

Theo CAND



Bình luận

  • TTCN (0)