Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng nên cho các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng có cơ chế bắt buộc họ phải cho các doanh nghiệp khác sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền liên tiếp có văn bản đề nghị "cấm cửa" các doanh nghiệp viễn thông tham gia dịch vụ truyền hình cáp. Lí lẽ của Hiệp hội này đưa ra để "ngăn sông cấm chợ" là việc đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông vào truyền hình cáp là đầu tư ngoài ngành, gây cạnh tranh không lành mạnh.
Bình luận về vấn đề trên, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông đang có sẵn mạng truyền dẫn cáp quang, trên hạ tầng này có thể cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình cáp. Vì vậy, nên cấp phép cho những doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp để tận dụng thế mạnh hạ tầng. Tuy nhiên, phải có quy định bắt buộc các doanh nghiệp đó chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp truyền hình cáp khác.
"Ví dụ, nếu các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạnh như Viettel khi tham gia thị trường truyền hình cáp mà không chịu chia sẻ hạ tầng thì có thể các nhà cung cấp dich vụ khác sẽ chết. Hiện nay, khoảng 80% khu vực nông thôn chưa có dịch vụ truyền hình cáp, trong khi đó Viettel và VNPT có hạ tầng nhưng không chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp khác sẽ dẫn tới độc quyền rất nguy hiểm", ông Lê Mạnh Hà nói.
Theo ông Hà, sở dĩ các doanh nghiệp truyền hình trả tiền liên tiếp phản ứng khi thấy các doanh nghiệp viễn thông muốn nhảy vào thị trường truyền hình cáp vì lo ngại nguy cơ họ không thể tham gia vào thị trường do không có hạ tầng truyền dẫn. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông nên để cho các doanh nghiệp khác có nội dung được sử dụng hạ tầng của mình một cách hiệu quả nhất, đừng ngăn cản họ góp mặt vào thị trường bằng cách không cho dùng chung hạ tầng.
"Trên một địa bàn thì chỉ nên có một hạ tầng truyền dẫn , không nên duy trì nhiều hạ tầng rất lãng phí. Nếu doanh nghiệp triển khai hạ tầng mới thì cần theo cơ chế đấu thầu để các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, ở TP HCM thì SCTV và HTV gần như đầu tư trùng lắp 100% hạ tầng truyền dẫn. Nếu nay mai thêm một vài doanh nghiệp làm hạ tầng nữa thì càng thêm lãng phí. Như vậy, cần có quy định trên một địa bàn chỉ có một hạ tầng, nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải dùng chung để tránh độc quyền", ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Theo ICTnews
Bình luận