Nhiều người dùng coi rằng tính năng chống thấm nước trên smartphone chỉ là một yếu tố phụ, không có vai trò quyết định trong việc lựa chọn máy.
Thời gian gần đây, các smartphone có tính năng chống nước bắt đầu được nhiều hãng sản xuất điện thoại như Sony, Lenovo, HTC, Nokia, Motorola, Samsung chú trọng. Trong số này, Sony là hãng có nhiều kinh nghiệm với các dòng sản phẩm được phát hành tại thị trường Nhật. Tại Việt Nam, Sony cũng đã giới thiệu 3 model chống nước là Xperia Arco S, Xperia V (tiêu chuẩn chống nước IP57), Xperia Go (tiêu chuẩn IP 67) và mới đây nhất là Xperia Z với tiêu chuẩn IP57. HTC cũng bước đầu gia nhập thị trường smartphone chống nước với dòng J Butterfly (dành cho thị trường Nhật Bản). Cả hai mẫu smartphone chống nước mới nhất của Sony và HTC là Xperia Z và HTC J Butterfly có giá tầm 16 - 17 triệu đồng. Trong khi đó, Lenovo, Nokia, Motorola bước đầu chú ý tới phân khúc tầm trung. Lenovo đã ra mắt model chống nước đầu tiên có tên mã A660. Máy đạt tiêu chuẩn IP67 cho phép kháng bụi và chống thấm nước ở độ sâu một mét trong vòng 30 phút, giá tầm 5 triệu đồng; Motorola phát hành tại Việt Nam dòng Defy mini cũng tiêu chuẩn IP67 giá 4,39 triệu đồng. Còn Nokia dự kiến tung ra bộ vỏ thay thế có giá khoảng 600 nghìn đồng cho dòng smartphone tầm trung là Lumia 620 (giá 5,5 triệu đồng). Samsung cũng mới giới thiệu Xcover-2 tiêu chuẩn IP67.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm kèm theo những cơn mưa rải rác quanh năm, vì vậy, điện thoại có tính năng chống nước được cho là sẽ có nhiều người dùng đón nhận. Thế nhưng thực tế, tính năng chống nước lại chưa thu hút nhiều sự tâm nhiều. Phần lớn người tiêu dùng cho rằng tính năng này là phụ, có thêm thì tốt. Một số người cho biết họ thích tính năng chống nước của Motorola Defy mini nhưng màn hình quá bé (3,2 inch) trong khi Samsung X Cover 2 bị chê về thiết kế, độ phân giải (chỉ 480x800). Hay Xperia V giá khi mới lên kệ là 14 triệu đồng (hiện còn 10,5 triệu đồng) được cho là đắt so với các điện thoại cùng cấu hình. Một số ý kiến khác cho rằng các model dòng Xperia có tính năng chống nước thiết kế nắp đậy cổng kết nối xấu, nhiều nắp đậy quá… Nói về bộ vỏ dành cho Lumia 620, nhiều ý kiến cho rằng tính năng này không hữu ích cho lắm, chỉ dùng để nghe điện thoại dưới trời mưa. Cũng có ý kiến cho rằng giá cao cho phụ kiện chỉ chống nước được một phần như thế. Trong khi đó, các smartphone chống nước thuộc phân khúc cao cấp như Xperia V, Z thu hút sự quan tâm của người dùng chủ yếu bởi cấu hình, thiết kế, tính năng cao cấp nhưng mức giá khá cao nên cũng chưa tiếp cận được số đông.
Đại diện hệ thống cửa hàng Cellphones cho biết hầu hết các dòng điện thoại chống nước giới thiệu tại Việt Nam đều đang được cửa hàng bán. Bên cạnh đó, còn có một số dòng điện thoại chống nước dành cho thị trường Nhật (do các nhà mạng Docomo, Softbank phát hành) hay các thương hiệu điện thoại siêu bền được nhiều người biết là Sonim, Land Rover. “Nhìn chung quan tâm của người mua không nhiều. Một số mẫu bán chạy chủ yếu của các thương hiệu Sonim, Land Rover. Khách hàng chủ yếu là dân phượt hoặc người làm việc trên môi trường sông nước nhiều như người dân ở miền Tây”, vị đại diện cho biết.
Trên thế giới, điện thoại chống nước đang dần trở thành xu hướng khi ngày càng có nhiều hãng đưa vào sản xuất. Theo nhiều chuyên gia, thiết kế chống nước làm tăng giá thành sản phẩm. Có lẽ vì vậy mà không nhiều model được thiết kế sẵn khả năng này ngoại trừ thị trường Nhật vốn rất phổ biến các sản phẩm điện tử, cầm tay có khả năng chống nước. Một phần do đất nước này thường xuyên chịu nhiều thảm họa, người dân cần có điện thoại chịu được nước, bụi để thực hiện các cuộc gọi trong trường hợp khẩn cấp. Tại CES 2013 và MWC 2013, một số hãng như Hz0 hay P2i đã giới thiệu công nghệ chống thấm nước mới. Theo như P2i mô tả, kĩ thuật mà họ ứng dụng cho phép bao phủ cả nội thất lẫn ngoại thất máy. Còn theo Hz0, công nghệ của họ giúp bảo vệ bo mạch bên trong khỏi độ ẩm. Các hãng này cho biết sẽ hợp tác cùng nhà sản xuất để trang bị công nghệ trước khi sản phẩm xuất xưởng. Nếu những ý tưởng này thành hiện thực, chống nước không còn là tính năng bổ sung cho smartphone mà sẽ thành chuẩn đại trà, giới phân tích nhận định.
IP (Ingress Protection) là chỉ số chống lại các tác động, xâm nhập từ bên ngoài. Các chuẩn này thường được đặt tên dạng IPxy, trong đó x đánh giá khả năng chống lại các đối tượng rắn (cát, bụi), y đánh giá khả năng chống lại nước, chất lỏng. X=5 phản ánh bụi được bảo vệ không hoàn toàn nhưng vẫn đảm bảo sự hoạt động của thiết bị; X=6 phản ánh thiết bị được đảm bảo chống bụi hoàn toàn, đảm bảo hoạt động tốt trong môi trường nhiều bụi. Y= 5 cho thấy khả năng chống lại nước được phun từ mọi hướng tới thiết bị; Y= 7 cho thấy thiết bị có thể được bảo vệ khỏi tác động của việc ngâm trong nước.
Nguồn: Hiệp hội các nhà sản xuất điện quốc gia Hoa Kỳ (NEMA)
Theo Số Hóa
Bình luận