Mục đích ban đầu được tạo ra của Android không phải là sản phẩm nhắm đến thị trường smartphone như hiện nay, mà là một nền tảng dành cho máy ảnh kĩ thuật số.
Thông tin khá bất ngờ kể trên vừa được chính “cha đẻ” của Android, Andy Rubin, tiết lộ tại một hội nghị diễn ra ở Tokyo. Theo đó, “cha đẻ” của Android ban đầu mơ tưởng đến việc tạo ra một thế giới của máy ảnh thông minh, tuy nhiên sau đó đã thay đổi mục đích của mình khi nhận thấy thị trường smartphone có những dấu hiệu “bùng nổ”.
“Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng dành cho máy ảnh, và đó là nền tảng Android dành cho điện thoại di động ngày nay”, Andy Rubin cho biết.
Rubin cho biết mục đích ban đầu để xây dựng Android là tạo ra một nền tảng máy ảnh hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây để lưu trữ hình ảnh trực tuyến. Máy ảnh có thể kết nối với máy tính sau đó kết nối với khu lưu trữ trực tuyến “Android Datacenter” để có thể truyền tài hình ảnh lên đó.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm chạp của thị trường máy ảnh kĩ thuật số đã khiến Andy Rubin thay đổi lại quyết định của mình và chuyển hướng phát triển Android sang nền tảng dành cho các thiết bị di động thông minh.
Đến năm 2005, mục tiêu của Andy Rubin đặt ra cho Android là một nền tảng di động có thể cạnh tranh với Windows Phone của Microsoft và Symbian của Nokia. Vào thời điểm này, Apple chưa gia nhập thị trường di động, phải đến 2007, chiếc iPhone đầu tiên mới được chính thức trình làng.
“Chúng tôi quyết định rằng thị trường máy ảnh kĩ thuật số là thị trường không đủ lớn, nên đã thay đổi chiến lược phát triển”, Andy Rubin cho biết. “Tôi đã lo lắng về Microsoft và về Symbian. Vào thời điểm đó, tôi không hề lo lắng về iPhone do nó chưa được xuất hiện”.
Rubin cho biết vào thời điểm đó sự ra đời của Android được xem như là một cơ hội lớn, vì nhận thấy những dấu hiệu “bùng nổ” của thị trường di động. Khác với Microsoft hay Nokia về việc đặt nặng doanh thu từ bản quyền của các hệ điều hành mà họ đang sở hữu, Android nhắm đến sự tăng trưởng và phổ biến về số lượng, thay vì doanh thu.
“Chúng tôi muốn có càng nhiều điện thoại sử dụng Android càng tốt. Cho nên thay vì phí bản quyền 99 USD hay 59 USD… để sở hữu Android, chúng tôi phát hành hệ điều hành này hoàn toàn miễn phí, bởi vì tôi biết rằng thị trường di động rất nhạy cảm về giá cả”, Andy Rubin cho biết thêm.
Bước phát triển Android thực sự đạt tầm cao khi Google chính thức mua lại công ty này vào năm 2005. Với tham vọng ban đầu chỉ đạt 9% thị phần Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2010 mà Rubin đặt ra khi mới cho ra mắt Android, hiện tại Android đã trở thành nền tảng di động phổ biến nhất trên thị trường smartphone với hơn 72% thị phần toàn cầu vào năm ngoái.
Sau những thành công trên smartphone, Android đang dần được trở lại với mục đích ban đầu khi mới được ra mắt, với việc nhiều mẫu máy ảnh sử dụng nền tảng Android đã được giới thiệu, như chiếc máy ảnh Galaxy Camera của Samsung hay máy ảnh của Nikon, Polaroid. Ngoài máy ảnh, Android hiện còn được sử dụng trên smartTV, tủ lạnh thông minh hay nhiều sản phẩm điện tử khác.
Theo Dân Trí/PCWorld
Bình luận