Chấm dứt mọi tin đồn và hoang mang của cộng đồng người sử dụng mobile xung quanh thương vụ chuyển đổi "có một không hai" trong lịch sử ngành viễn thông di động Việt Nam, ngày 15/3/2008, HT Mobile đã chính thức tuyên bố chia tay với mạng di động CDMA để bước vào giai đoạn chuyển đổi công nghệ sang e-GSM (GSM mở rộng). Vậy, đằng sau cuộc "thay máu" công nghệ này là gì? 

Một ẩn số đã không còn bí ẩn

Ngày 15/01/2007, HT Mobile tuyên bố khai trương mạng 092. Ngay từ khi mới ra đời mạng di động CDMA “em út” này đã thực sự gây sốc thị trường bằng những chương trình khuyến mãi kiểu “dội bom tấn” mà ngay cả những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng ít ngờ tới. Sự dấn thân đầy ấn tượng và tràn trề sức sống của HT Mobile lúc đó đã làm nóng thêm thị trường viễn thông. Người ta bắt đầu nhắc tới HT Mobile như một “ẩn số” thú vị và háo hức đón chờ mạng mới này tung ra những chiêu thức kinh doanh bí mật. Nhưng dù là một cánh cửa mở đầy hứa hẹn, đằng sau nó, không phải lúc nào con đường CDMA cũng trải đầy thảm đỏ và hoa hồng để vinh danh những chiến binh quả cảm.

Sự trầy trật của S-Fone, “người anh cả” của CDMA Việt Nam trong suốt hơn 4 năm đi trên con đường này, bên cạnh đó việc “người anh thứ” EVN Telecom phải cố tìm ra một “ngách đi mới” là thị trường cố định không dây, đã là những “tấm gương tày liếp”, đe dọa mục tiêu đạt 1 triệu thuê bao mà HT Mobile đặt ra trong năm đầu tiên hoạt động. Một năm kinh doanh của HT đã kết thúc vẻ như không được suôn sẻ khi cuối năm 2007, những nguồn tin không chính thức đã lên tiếng “cảnh báo”: HT Mobile sẽ “khai tử” mạng CDMA và chuyển sang GSM. Trong khi dư luận còn đang hoang mang và chưa có một sự thừa nhận chính thức nào từ mạng 092 thì ngay sau đó không lâu, việc HT Mobile ngừng phát triển thuê bao mới (từ ngày 16/02/2008) đã càng tạo cơ sở vững chắc cho thông tin này.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Ngày 15/03/2008, các nhà khai thác và điều hành mạng HT Mobile chính thức công bố đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho phép đầu tư khai thác mạng GSM. Sự kiện trên đồng nghĩa với dấu chấm hết cho công nghệ CDMA vừa được mạng này làm “lễ thôi nôi” chỉ mới vài tháng trước đó. Có nhiều cách giải thích khác nhau xung quanh sự kiện này, nhưng tất cả đều có chung một quan điểm: HT Mobile đã không thu được lợi nhuận gì khi đầu tư phát triển mạng CDMA. 

“Chúng tôi phải đi nhặt từng xu từ những khách hàng mà chúng tôi đã phải tặng cả máy, cả SIM qua những chương trình khuyến mãi dài cả tháng trời mới thuyết phục họ vào mạng được. Nhưng 1 năm qua, chúng tôi mới chỉ được 200.000 thuê bao. Chúng tôi không thể tiếp tục mãi kiếp ăn đong, bòn nhặt như vậy…”, bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc của Hanoi Telecom đã chia sẻ với báo giới.

Xét một cách tổng thể, mạng 092 vẫn còn tồn tại với thương hiệu đi kèm là HT Mobile. Mọi sự chuyển đổi xảy ra chỉ tập trung vào mặt công nghệ. Và như vậy, với việc tuyên bố gia nhập hàng ngũ GSM tinh nhuệ của làng viễn thông Việt kèm theo đó là đường hướng phát triển khá rõ ràng, 092 đã chấm dứt những thông tin dư luận nhiều chiều xoay quanh mình. HT Mobile e-GSM giờ đã không còn là một ẩn số. Với e-GSM, HT Mobile sẽ hoạt động ở dải băng tần GSM 800-900 Mhz.

Chuyển đổi như thế nào?

“Cuộc hôn phối” giữa HT Mobile và CDMA không thành; người trong cuộc tuy cũng đã tuyên bố kết thúc, nhưng việc giải quyết trách nhiệm và những hệ lụy của nó không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Thông tin từ HT Mobile cho biết: Quá trình chuyển đổi sẽ kéo dài trong 6 tháng (kể từ thời điểm mạng này hoàn tất các thủ tục pháp lý về chuyển đổi). Theo ông Dennis Lui, Tổng Giám đốc điều hành của Hutchison Telecom - đối tác của Hanoi Telecom trong việc khai thác mạng di động HT Mobile, các thiết bị truyền dẫn, đường trục, hệ thống tổng đài... sẽ được cài đặt lại để tái sử dụng cho mạng e-GSM. Đối với những thiết bị không tương thích (như hand-set CMDA), hãng này sẽ mang ra tái sử dụng tại những nước mà Hutchison đang đầu tư và cung cấp công nghệ CDMA.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhiều nhất vẫn là hơn 200.000 thuê bao của HT Mobile. Bà Trịnh Thị Minh Châu cho biết: thời điểm hiện này khách hàng vẫn sử dụng dịch vụ bình thường. Khi các thủ tục pháp lý hoàn tất, HT Mobile sẽ công bố thời gian, kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, trong thời gian chuyển đổi, để tiếp tục sử dụng dịch vụ, khách hàng 092 có hai phương án để lựa chọn. Thứ nhất, khách hàng giữ nguyên số thuê bao và máy điện thoại. Mọi cuộc gọi khi thực hiện sẽ được chuyển tiếp sang mạng di động có cùng công nghệ CDMA khác là S-Fone.

HT Mobile sẽ làm thủ tục chuyển đổi miễn phí tại hơn 100 điểm chuyển đổi chuyên biệt của HT Mobile trên khắp cả nước, đồng thời đảm bảo nguyên vẹn số tiền trong tài khoản và các dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay. Thứ hai, khách hàng có thể chuyển sang sử dụng công nghệ e-GSM. Trong trường hợp này, các thuê bao sẽ phải mua máy mới và HT sẽ hỗ trợ một phần chi phí dưới nhiều hình thức như cộng tiền vào tài khoản, khuyến mãi... Tuy chưa chính thức công bố việc sẽ cho các thuê bao CDMA của HT Mobile “tạm trú” như trong phương thức chuyển đổi thứ nhất, nhưng theo nguồn tin của e-Chip MOBILE, một đại diện của S-Fone cũng đã thừa nhận về việc này.

Như vậy là hướng đi của những thuê bao CDMA 092 cuối cùng cũng đã được tiết lộ theo nguyên tắc “lấy khách hàng làm trung tâm”, không để họ bị thiệt thòi. Tuy nhiên, rõ ràng, cuộc chia tay giữa HT Mobile và CDMA ít nhiều cũng làm cho các thuê bao trung thành thấy bất an và không tránh khỏi cảm giác bơ vơ. “Mong các khách hàng hiểu và thông cảm” là thông điệp mà bà Trịnh Minh Châu đã lặp đi lặp lại trong lần chính thức tuyên bố chuyển đổi.

Định hướng đúng đắn?

Theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, với tình trạng như hiện tại, việc chuyển hướng công nghệ của HT Mobile là một bước đi táo bạo nhưng hợp lý bởi càng để lâu thì HT Mobile càng có khả năng bị sa lầy và sẽ không đủ khả năng tiếp tục cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất như họ đã từng cam kết từ buổi đầu thành lập. Chính vì thế, việc chuyển đổi hướng đi cũng là để tạo cho HT Mobile thêm một cơ hội khác nhằm khẳng định quyết tâm của mình trong việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất trên nền một công nghệ mới.

Vào thời điểm hiện tại, quá trình chuyển đổi cũng đang làm không ít người hoang mang nghi ngại. Tuy nhiên, ông Dennis Lui tỏ ra khá lạc quan về việc thực hiện quá trình này: “Chúng tôi đã có kinh nghiệm chuyển đổi công nghệ ở nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như Hồng Kông. Vì vậy, công việc sắp tới mà chúng tôi thực hiện ở Việt Nam sẽ không gặp khó khăn”. Được biết, Tập đoàn này vẫn cam kết tiếp tục đầu tư 150 triệu USD trong năm 2008 để phát triển một mạng GSM mới. Còn ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hanoi Telecom cho biết: “Khi xác định lại hướng đi, chuyển sang mạng GSM, chúng tôi là những người đi sau. Tuy nhiên, đi sau cũng có cái lợi là chúng tôi sẽ được áp dụng những kỹ thuật và quy chuẩn tiên tiến nhất trên thế giới. Thêm vào đó, khi tiến hành xây dựng, đã có nhiều thiết bị giá đã rẻ đi rất nhiều so với thời điểm các mạng trước đây lắp đặt…”.

Tuy nhiên, có lẽ một trong những điểm quan trọng nhất mà các nhà điều hành HT Mobile cảm thấy được hỗ trợ khi chuyển sang mạng GSM là họ sẽ được cạnh tranh với các đối thủ trên cùng một “hệ quy chiếu” với các thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng như nhau. Lúc này, ai cung cấp dịch vụ tốt thực sự, với các phương thức kinh doanh đầy tính sáng tạo mới là người chiến thắng. Thực chất, cuộc chuyển đổi trên của HT Mobile là một cuộc “thay máu công nghệ”, chuyển từ CDMA sang GSM. Với các phân tích trên, đây dường như đã là một lựa chọn đúng đắn cho HT Mobile. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của việc chuyển đổi này đến đâu? Với HT Mobile, câu trả lời vẫn còn nằm ở chặng đường dài phía trước, ít nhất là sau khi HT Mobile hoàn tất những bước đi quan trọng trong việc xác định lại hướng đi của mình.

(Theo eCHIP Mobile)



Bình luận

  • TTCN (0)