Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1 (có gắn quốc kì Việt Nam) đã sẵn sàng trên bệ phóng tại sân bay vũ trụ Kourou sáng nay - ngày 4/5/2013 (theo giờ Hà Nội). Ảnh chụp qua màn hình.

Vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1 đầu tiên của Việt Nam đã được gắn lên tên lửa đẩy và tên lửa cũng đã sẵn sàng trên bệ phóng song phải hoãn phóng vào phút chót do điều kiện thời tiết gió quá lớn.

Quyết định hoãn phóng vệ tinh VNREDSat-1 được GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thông báo tới các đại biểu tại buổi quan sát sự kiện phóng vệ tinh tổ chức sáng nay, ngày 4.5, tại Hà Nội.

Theo GS Châu Văn Minh, đến 6 giờ sáng 4/5 (theo giờ Việt Nam), mọi điều kiện chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này đã sẵn sàng. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ ViệtNam đã nhận được thông báo của Công ty Arianespace (đơn vị thực hiện phóng VNREDSat-1), hiện nay, tại sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp (nơi dự kiến phóng vệ tinh) gió quá to nên sự kiện phóng đã được hoãn lại đến ngày mai 5/5.

Lúc 9 giờ 30 phút, đơn vị chịu trách nhiệm phóng tên lửa là Arianespace ra thông cáo trên website của mình xác nhận việc phóng vệ tinh bị hoãn do thời tiết không thuận lợi. Thời điểm phóng vệ tinh phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và sẽ được thông báo sau.Vệ tinh VNREDSat-1 đã từng lùi ngày phóng lên quỹ đạo. Dự kiến ngày phóng vệ tinh này sau đó vào khoảng từ ngày 18 đến 20/4. Tuy nhiên lại tiếp tục được hoãn đến ngày 4/5 để kéo dài thời gian kiểm tra tính sẵn sàng của tên lửa phóng VEGA.

Theo TS Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lí Dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày giờ chính xác để phóng vệ tinh VNREDSat-1 do Arianespace quyết định dựa trên đánh giá các yếu tố như tính sẵn sàng của tên lửa phóng, vệ tinh, điều kiện thời tiết, độ an toàn trong các khu vực tên lửa bay qua… và mỗi khâu đều được kiểm tra vô cùng cẩn thận.

Ảnh
Phác thảo vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1. Ảnh: astrium.eads.net.

TS Tuyên cho biết thông thường, thời gian để vệ tinh sẵn sàng trên bệ phóng chỉ có thể kéo dài khoảng 1 ngày, do vậy nếu vào ngày mai (5/5) thời tiết tiếp tục không thuận lợi, việc phóng sẽ tiếp tục bị trì hoãn và chắc chắn sẽ phải bắt đầu một quy trình mới. Quy trình lắp đặt vệ tinh vào tên lửa để sẵn sàng phóng lên quỹ đạo thông thường mất 20 ngày.

TS Bùi Trọng Tuyên cũng cho biết theo hợp đồng, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vệ tinh sau khi đã hoạt động ổn định trên quỹ đạo, mọi công đoạn phóng, ổn định quỹ đạo đều do nhà thầu thực hiện.

Việc hỏng hóc hay ảnh hưởng đến chất lượng vệ tinh trong trường hợp phải thực hiện một quy trình chuẩn bị phóng mới cũng được loại trừ vì theo TS Tuyên, hoãn phóng vệ tinh do điều kiện thời tiết là bình thường.

Việc hoãn phóng vệ tinh VNREDSat-1 sẽ không ảnh hưởng gì đến Việt Nam, hơn nữa mọi công đoạn đều được bảo hiểm. Chậm đưa vệ tinh lên quỹ đạo sẽ chỉ kéo dài thời gian chờ đợi việc trực tiếp vận hành, khai thác vệ tinh viễn thám của Việt Nam mà thôi.

TS Bùi Trọng Tuyên

GS Châu Văn Minh nhận định, hoãn phóng vệ tinh vì điều kiện thời tiết cũng là điều bình thường trong ngành khoa học vũ trụ.

Trước đó, theo dự kiến, vệ tinh viễn thám quang học VNREDSat-1 sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp vào 23 giờ 6 phút 31 giây ngày 3/5/2013 (theo giờ Kourou) tức 9 giờ 6 phút 31 giây ngày 4/5/2013 (theo giờ Hà Nội).

VNRED Sat-1 là vệ tinh có chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt trái đất. Với khả năng cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao gần như ngay sau khi chụp, vệ tinh này giúp Việt Nam chủ động nguồn thông tin nhằm giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ảnh
Mô hình VNREDSat-1 tỉ lệ 1-1 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Với kích thước 600x570x500 (mm), nặng khoảng 120 kg, tuổi thọ thiết kế của VNREDSat-1 là 5 năm. Dự án VNREDSat- 1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỉ đồng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

Việc vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo được đánh giá là bước đi đầu tiên đến quá trình làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ của Việt Nam, một trong những mục tiêu của Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 của Chính phủ: tiến tới làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada hiện đại; phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lí và quy hoạch đất đai.

Theo Người Lao Động



Bình luận

  • TTCN (0)