Giấc mơ về những thiết bị có màn hình dẻo, có thể cuộn lại (flexible screen) đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay các sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở mức trình diễn, thử nghiệm.
Giới công nghệ dự đoán màn hình linh hoạt sẽ là đặc điểm phổ biến trên các thiết bị điện tử tiêu dùng trong vài năm tới. Nó cũng nằm trong kế hoạch chiến lược của nhiều nhà sản xuất hàng đầu. Công nghệ này đã trải qua một hành trình phát triển dài nhưng chưa thực sự khởi sắc.
Sheridon trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 rằng ông đã nhận ra nhu cầu sử dụng giấy điện tử (e-paper) vào năm 1989. Ông tin rằng màn hình máy tính có thể hoạt động linh hoạt như giấy.
Vì thế, Sheridon đăng kí bản quyền cho phát minh e-paper vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước.
Sau nhiều năm nghiên cứu và cải tiến, giấy điện tử Gyricon được Xerox hỗ trợ tài chính để có thể đưa vào sản xuất đại trà năm 2003. Đáng tiếc, các nhà khoa học không thể hạ giá thành sản phẩm xuống đủ thấp để thuyết phục ban lãnh đạo Xerox và dự án bị khai tử năm 2005. Xerox vẫn đang nắm bản quyền công nghệ này.
Sau khi thành lập trung tâm Flexible Display Center năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona (Mỹ) bắt tay vào dự án phát triển màn hình linh hoạt. Năm 2008, họ hợp tác với HP và cho ra đời một mẫu prototype về giấy điện tử. Nhưng đến 2010, HP rút khỏi dự án với lí do họ muốn đầu tư xây dựng màn hình mỏng và nhẹ hơn là màn hình uốn cong.
Hè 2007, Sony công bố màn hình OLED mỏng 0,3 mm qua một video trình diễn, nhưng công nghệ này vẫn chưa xuất hiện trong sản phẩm cụ thể của hãng.
Năm 2008, Nokia gây xôn xao với ý tưởng điện thoại Morph có màn hình uốn cong như chiếc vòng đeo tay, sử dụng năng lượng mặt trời, cảm biến và bề mặt tự làm sạch khỏi bụi, nước và vân tay.
Năm 2010, mẫu màn hình uốn cong của Sony được phát triển thành màn hình có thể cuộn lại như giấy. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những hình ảnh được trình diễn qua video.
Cũng trong năm này, Samsung trưng bày màn hình cong 4,5 inch 800 x 480 pixel, sử dụng chất liệu nhựa đặc biệt để đạt độ phân giải cao nhưng vẫn đảm bảo sự linh hoạt.
Năm 2011, Nokia giới thiệu mẫu thử smartphone Kinetic có thể bẻ cong để phóng to ảnh, cuộn màn hình...
Các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona đạt một bước đột phá quan trọng vào tháng 5/2012 khi công bố màn hình OLED cong đầu tiên có khả năng phát video màu hoàn chỉnh.
Tại cuộc họp báo tháng 7/2012, Plastic Logic giới thiệu giấy điện tử đầu tiên trên thế giới có thể phát video màu với tốc độ 12 khung hình mỗi giây. Công ty này hứa hẹn công nghệ sẽ được đưa vào các sản phẩm đeo tay.
Tại CES 2013, Samsung trưng bày smartphone sử dụng màn hình dẻo YOUM.
Cũng tại CES đầu năm nay, Hearst Corporation phô diễn Skiff Reader, máy tính bảng màn hình cảm ứng 11,5 inch có thể uốn cong, phát video 12 hình/giây và tích hợp kết nối 3G, Wi-Fi.
Một tháng sau, Apple xin đăng kí bản quyền cho mẫu màn hình linh hoạt được ứng dụng trong đồng hồ đeo tay, vòng tay... Từ đây, các tin đồn về iWatch bắt đầu xuất hiện.
Báo Korea Times đưa tin LG sẽ sản xuất màn hình dẻo ngay cuối năm 2013. Nếu điều này thành sự thật, LG sẽ tiến trước một bước so với đối thủ Samsung.
Bình luận