Toshiba đã đi đến bước cuối cùng trong kế hoạch sản xuất chip cao cấp dựa trên công nghệ vi xử lý Cell - sản phẩm đã tạo nên sức mạnh của thiết bị chơi game PlayStation 3 của Sony. Hôm thứ ba, hãng đã bắt đầu đưa ra phiên bản mẫu có tên gọi là SpursEngine SE1000.

SpursEngine là một loại chip với nhiều bộ vi xử lý kết hợp được thiết kế để hoạt động bên cãnh vi xử lý chính của một hệ thống và đảm nhiệm công việc cực kỳ nặng bao gồm xử lý đồ họa theo thời gian thực và trình diễn hình ảnh.

Bên trong chip có 4 nhân xử lý hoàn toàn giống nhau và một bộ codec dùng để mã hóa và giải mã những định dạng video chất lượng cao như MPEG2 và H.264. SpursEngine SE1000 hoạt động ở tốc độ 1.5GHz và tiêu thụ lượng điện năng trong khoảng từ 10 - 20 watt.



Buổi trình diễn với SpursEngine đã được thực hiện tại triển lãm Cratec vào tháng mười năm ngoái tại Nhật Bản với khả năng nhận hình ảnh từ máy quay phim khi được gắn vào một chiếc máy tính xách tay. Nếu một ai đó ngồi trước ống kính, SpursEngine lập tức có thể lưu lại hình ảnh và cho phép mô phỏng kiểu tóc hay tiến hành trang điểm theo thời gian thực. Hệ thống sẽ thể hiện hình ảnh 3 chiều do vậy kiểu tóc mới của bạn trên màn hình sẽ hoàn toàn trùng khớp góc độ và hướng của đầu. Nên biết rằng khả năng xử lý theo thời gian thực là rất khó để thực hiện nếu đó là một vi xử lý không đủ mạnh mẽ.

Toshiba đã tiên đóan trước một thị trường tươi sáng dành cho SpursEngine và đã đặt ra kế hoạch bán ra hơn 6 triệu sản phẩm trong vòng 3 năm đầu. Phiên bản mẫu của chip xử lý này có giá 98 USD và Toshiba hy vọng sẽ kéo giảm xuống còn 50 USD cho số lượng lớn.

Một trong số thiết bị sẽ dựa trên SpursEngine đầu tiên nhiều khả năng là những cạc đồ họa dành cho máy tính. Toshiba cũng cho biết thêm rằng hãng đang kết hợp với các đối tác bao gồm Corel, CyberLink và Leadtek để cho ra các sản phẩm phần cứng và mềm có khả năng tận dụng tối đa sức mạnh của chip xử lý mới.



Để trợ giúp cho các nhà phát triển, Toshiba hứa sẽ đưa ra một bộ kit tham khảo bao gồm một bản PCI Express và các hàm API. Môi trường phát triển sẽ có một bộ biên dịch, sửa lỗi và màn hình hiển thị. Dự án về vi xử lý Cell đã được khởi động từ năm 2001 với sự tham gia của Sony và IBM. Riêng Sony hãng đã gắn liền công nghệ chip Cell với sản phẩm PlayStation3 nhưng Toshiba lại lấy các thíêt bị điện tử tiêu dùng làm đích ngắm.

Vĩnh Duy (Theo PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)