Nhà khoa học Anh Joe Farman, người đã có công lớn trong việc phát hiện ra “lỗ thủng” trong tầng ozone trong bầu khí quyển ở cực nam Trái Đất, đã qua đời vào ngày 12/5, thọ 82 tuổi.
Cùng với hai nhà khoa học Brian Gardiner và Jon Shanklin, tiến sĩ Farman đã công bố khám phá này trên tờ tạp chí khoa học nổi tiếng Nature số ngày 16/5/1985. Nghiên cứu của họ này đã góp phần hình thành nên Nghị định thư Montreal, một thỏa thuận quốc tế nhằm kiểm soát lượng khí chlorofluorocarbon (CFC) trên toàn thế giới.
Giáo sư Alan Rodger, Giám đốc tạm thời của tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh (BAS), nhận xét: “Joe là một nhà vật lí học tải giỏi và nghiên cứu của ông đã làm thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với thế giới tự nhiên. Sau khi có khám phá về lỗ thủng trên tầng ozone, ông đã trở thành một đại sứ về năng lượng cho hành tinh của chúng ta”.
Sau khi tốt nghiệp từ trường ĐH Cambridge, vào năm 1956 TS Farman đã được chỉ định là một nhân viên khoa học tại Tổ chức Khảo sát Độc lập Đảo Falkland, tiền thân của BAS ngày nay. Sau đó, vào năm 1969, ông đã chuyển sang làm việc tại trường ĐH Endinburg cho tới năm 1976 thì quay trở lại để phụ trách đơn vị vật lí của BAS ở trường Cambridge. Đó chính là thời điểm ông bắt đầu quan tâm tới việc giám sát tầng ozone ở Nam Cực. Tiến sĩ Farman đã nhận được rất nhiều giải thưởng cho khám phá quan trọng này. Trước khi nghỉ hưu, ông cũng đã có chuyến nghiên cứu cuối cùng tại Nam Cực vào năm 1990.
Phát biểu trên kênh Tin tức BBC nhân dịp 25 năm ngày công bố phát hiện về lỗ thủng tầng ozone, TS Farman đã nói rằng môi trường vẫn đang bị phá hoại theo nhiều cách khác nhau. Ông đã chỉ trích các chính trị gia vì đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề như sự thay đổi khí hậu và nói rằng việc các nước trên thế giới vẫn để lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục tăng lên trong khi đã biết rõ đó là một loại khí khiến nhiệt độ trên trái đất nóng lên là một sự ngu ngốc.
Trong bản báo cáo công bố trên tạp chí Nature năm 1985, các nhà khoa học đã miêu tả những đo đạc lượng khí ozone trên tầng bình lưu, có độ cao 22 km so với mặt nước biển. Kết quả cuộc nghiên cứu đã cho thấy mật độ khí ozone đã có sự sụt giảm mạnh mẽ vào mùa xuân ở Nam Cực. Bản báo cáo của họ cũng đã ghi nhận sự gia tăng độc biến lượng khí CFC trong tầng cao của bầu khí quyển. Điều này đã giúp củng cố giả thuyết rằng các chất hóa học mà con người thải ra có thể gây hại cho tầng ozone.
Ở thời điểm đó, các khí CFC thường được sử dụng trong các tủ lạnh, bình xịt hoặc làm các chất dung môi. Phân tử ozone là một loại phân tử tạo thành từ ba nguyên tử ô-xy. Nó có nhiệm vụ lọc và loại bỏ những bức xạ cực tím nguy hại với con người từ ánh nắng Mặt trời. Trong tầng bình lưu của bầu khí quyển, khí ozone liên tục được tạo ra và phá hủy. Với một bầu khí quyển không bị ô nhiễm, chu kì hình thành và phân hủy chất ozone là cân bằng. Nhưng khi các phân tử clo thải từ từ các chất CFC xen vào giữ quá trình này, chúng sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác làm tăng quá trình phân hủy chất ozone.
Số lượng các chất này cũng như các loại khí có khả năng phân hủy khí ozone khác trong tầng bình lưu ở Nam Cực đã đạt mức đỉnh điểm vào năm 2000 và đã từ từ giảm xuống kể từ thời điểm đó. Các mô hình khảo sát trên máy tính cho thấy lỗ thủng trong tầng ozone, hay nói đúng hơn là một vùng ozone bị mỏng đi đáng kể, cuối cùng cũng sẽ hồi phục hoàn toàn. Những khảo sát được thực hiện vào năm ngoái cho thấy lỗ thủng này hiện có diện tích nhỏ nhất kể từ một thập kỉ qua.
Theo NDĐT/BBC
Bình luận
Rest in peace, Mr. Joe Farman!