Nhà nước đang khởi động để hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng (TDPS) cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện thị trường này mới đang ở trong giai đoạn khởi đầu nên sẽ có nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài thị trường TDPS cạnh tranh sẽ có lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Có thể xem xét cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia
Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, việc truyền dẫn phát sóng (TDPS) các kênh truyền hình sẽ làm theo định hướng dùng chung hạ tầng. Các đài PTTH chỉ tập trung sản xuất nội dung còn TDPS sẽ thuê dịch vụ truyền dẫn của các công ty chuyên làm TDPS. Hiện tại đã có 3 đơn vị đã được Nhà nước cho phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ TDPS truyền hình số trên phạm vi toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Ba doanh nghiệp này có đủ năng lực để truyền dẫn các kênh của truyền hình bằng các phương thức truyền dẫn khác nhau như: Số mặt đất, vệ tinh hoặc qua mạng cáp. Từ trước tới nay, các đài PTTH trên cả nước vừa sản xuất nội dung vừa làm TDPS.
Phát biểu tại Hội thảo truyền dẫn, phát sóng truyền hình số khu vực đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/5/2013 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, với quy định về dùng chung hạ tầng TDPS, sắp tới các đài PTTH địa phương sẽ không tự phát sóng các kênh truyền hình do họ sản xuất mà phải thông qua thuê dịch vụ phát sóng.Việc dùng chung hạ tầng sẽ tiết kiệm được rất lớn chi phí đầu tư hạ tầng truyền dẫn, tiết kiệm tài nguyên tần số.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Nhà nước có trách nhiệm hình thành và phát triển thị trường TDPS cạnh tranh. Do đó bên cạnh VTV, VTC, AVG đã được cho phép làm dịch vụ TDPS trên toàn quốc, mỗi địa bàn cần phải có thêm 1-2 doanh nghiệp khu vực để đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh thị trường TDPS. Trong trường hợp không có các doanh nghiệp khu vực có đủ điều kiện làm dịch vụ TDPS, Nhà nước sẽ xem xét cho các doanh nghiệp viễn thông đang có sẵn hạ tầng mạng tham gia đầu tư làm dịch vụ TDPS. "Nếu được phép các doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng đầu tư ngay vào lĩnh vực này", Thứ trưởng Thắng cho biết.
Nhiều đài PTTH địa phương không muốn có công ty TDPS khu vực
Liên quan đến việc thiết lập thị trường TDPS cạnh tranh, hiện có một số ý kiến cho rằng việc thiết lập các doanh nghiệp TDPS khu vực, nếu đòi hỏi quá nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước thì không cần thiết phải thiết lập các công ty TDPS khu vực nữa. Theo đại diện lãnh đạo Đài PTTH Thái Bình, hiện Thái Bình đang có 2 triệu dân sống trong tỉnh và hơn 2 triệu người Thái Bình sống trên toàn quốc. Mức độ quan tâm đến nội dung về địa phương trên toàn quốc là rất lớn, vì vậy tỉnh Thái Bình đề xuất không nên chỉ giới hạn phát sóng các kênh truyền hình địa phương trong khu vực, do đó không cần thiết phải thiết lập các công ty TDPS khu vực.
Đại diện Đài PTTH Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 10.700 hộ dân thu sóng truyền hình mặt đất, còn khoảng hơn 1 triệu dân đang thu truyền hình cáp và vệ tinh. Có thể thấy nhu cầu thu sóng truyền hình số mặt đất (xem miễn phí) là rất thấp. Do vậy cần phải xem "cầu" thế nào trước khi bàn việc "cung". Hiện Quảng Ninh đang được phát sóng miễn phí trên nhiều kênh cáp, sắp tới phải trả phí TDPS (ước khoảng 2 tỉ đồng/năm) sẽ khó khăn lớn cho các đài.
Cùng ý kiến trên, lãnh đạo Đài PTTH Bắc Ninh cho biết, cần phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp TDPS và các đài địa phương để tận dụng hạ tầng TDPS hiện có của các đài như nhà trạm, cột, anten, đội ngũ vận hành kĩ thuật. Coi như các đài đóng góp chi phí hoặc cho doanh nghiệp TDPS thuê lại hạ tầng sẵn có để giảm bớt chi phí. Hiện nay tổng chi phí 1 năm để duy trì việc TDPS của Đài PTTH Bắc Ninh chỉ khoảng 960 triệu đến dưới 1 tỉ đồng/năm. Khi phát sóng truyền hình số, ước tính chi phí thuê truyền dẫn sẽ tăng lên gần gấp đôi, gây khó khăn lớn cho các đài.
Đại diện các Đài PTTH Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình đều có chung ý kiến rằng, hiện nay các đài địa phương đang TDPS qua mạng của VTV rất tốt, giá rẻ hơn. Vì vậy sắp tới nên cho các đài được tự lựa chọn doanh nghiệp TDPS có chất lượng tốt, giá rẻ hơn để cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do 14 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chỉ được phân bổ 2 kênh tần số (chia làm 2 gói kênh, mỗi gói có khoảng 6- 8 đài), quy hoạch tần số sẽ khiến các đài không có quyền lựa chọn doanh nghiệp TDPS. Bởi nếu tần số đó được cấp cho doanh nghiệp TDPS nào thì các đài thuộc gói này đương nhiên phải dùng dịch vụ của doanh nghiệp đó. Như vậy rất khó có thể hình thành thị trường TDPS cạnh tranh nên các đài này không đồng tình với việc hình thành các doanh nghiệp TDPS khu vực.
Đại diện Đài PTTH Hưng Yên băn khoăn rằng, trên thị trường đã có rất nhiều dịch vụ truyền hình, nhiều hộ dân đã có các đầu thu của nhiều hãng rồi. Vậy khi các doanh nghiệp TDPS mới vào thì người dân có dùng các loại đầu thu đang dùng để thu ngay không hay cần phải chuyển đổi. Do đó, khi cấp phép cho doanh nghiệp TDPS mới cần có quy định nếu cung cấp dịch vụ phải đảm bảo tất cả các đầu thu hiện có đều thu miễn phí được.
Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, chính sách của nhà nước là hình thành thị trường TDPS cạnh tranh, song đây là cả một quá trình dài. Hiện tại mới đang ở trong giai đoạn khởi đầu sẽ có nhiều khó khăn, nhưng về lâu dài việc tạo một thị trường TDPS cạnh tranh sẽ có lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.
Do đó, để thúc đẩy thị trường TDPS phát triển ban đầu sẽ có bàn tay của nhà nước điều tiết bằng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường. Ví dụ, xem xét ưu đãi cho doanh nghiệp mới về vốn và có cơ chế hỗ trợ khi tham gia đấu giá tần số...
Theo ICTNews
Bình luận