Ngày 8/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tham vấn về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam. Dự kiến, sau khi Chính phủ phê duyệt, sẽ nhanh chóng triển khai ngay từ giữa năm nay.
Ứng dụng CNTT, quan chức có làm không?
Đây là hội nghị lần thứ 3 do Bộ TT&TT tổ chức nhằm lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về một chương trình quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta trong tiến trình hội nhập với thế giới.
Nếu làm tốt chương trình này lợi ích mà nó mang lại rất lớn. Tuy nhiên, triển khai thế nào cho hiệu quả cao nhất lại không đơn giản. Với những yêu cầu trên, Bộ TT&TT là cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã tổ chức những hội nghị nhằm mục tiêu tìm ra đáp số tốt nhất để triển khai chương trình này.
Ban tổ chức đã mời những đại biểu là những nhà lãnh đạo phụ trách lĩnh vực CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương để xin góp ý là những vấn đề rất cơ bản đó là: Tầm nhìn, định hướng phát triển CPĐT ở Việt Nam? Lộ trình thực hiện nhanh hay chậm? Xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hay phân tán? Có phải thuê nước ngoài thực hiện?...
Những ý kiến từ hội nghị này sẽ được tổng hợp để trình Chính phủ, sau phê duyệt sẽ nhanh chóng triển khai ngay từ giữa năm nay một cách đồng bộ, có chiều sâu.
Bộ TT & TT đã thu được nhiều ý kiến tâm huyết với việc ứng dụng CNTT bởi đây là nền tảng quan trọng để cải cách hành chính.
Ông Quách Tuấn Ngọc – đại diện Bộ GD & ĐT cho biết, nên xây dựng mô hình tập trung phục vụ các dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước, ví dụ như email server, hiện mỗi tỉnh có một server, ở Singapore họ làm chung các cơ quan. Dùng chung có cái lợi về bảo mật, virus, nguồn điện ổn định...
Mục tiêu mỗi cán bộ công chức một email là không thích hợp, chuyện tạo email giờ quá dễ dàng. Theo ông Quách Tuấn Ngọc, không phải là tạo email, mà phải đặt vấn đề sử dụng nó, quan chức có email nhưng dùng thế nào? Khía cạnh thái độ ý thức sử dụng CNTT, đó là vấn đề hành chính. Hay tổ chức hội nghị truyền hình, Bộ GD&ĐT đã họp từ năm 2004, có hội nghị trên 2.000 đại biểu, mỗi cuộc họp như vậy tiết kiệm được hàng tỷ đồng.
Triển khai CPĐT, công nghệ không phải là vấn đề, mà quan trọng là quan chức có làm không. Trong triển khai nên sử dụng mã nguồn mở, vì cổng điện tử trên nguồn mở khá dễ, không tốn kém.
Ông Ngọc cũng đặt vấn đề, sao không có Công báo điện tử? Ông cho biết, nhiều văn bản Website Chính phủ đăng rồi nhưng Công báo giấy chưa đăng nên văn bản trên chưa có hiệu lực. Ông đề nghị song song việc đăng Công báo giấy thì nên đăng ở Website Chính phủ, khi đăng rồi là văn bản có hiệu lực.
Ông lưu ý trong đầu tư hạ tầng CNTT nên tận dụng và khai thác tối đa những cái đang có, không nên sử dụng chưa hết đã đầu tư mới... Đặc biệt, ông quan tâm đến công tác đầu tư cần tính toán đến tính bền vững của các dự án và gắn liền với đơn vị tiếp nhận. Cũng như để triển khai thành công CPĐT cần rà soát hệ thống văn bản vì khi triển khai nhiều văn bản sẽ không phù hợp.
Trong khi đó ông Nguyễn Viết Thế - đại diện Bộ Công an có ý kiến: Làm việc gì mà con người không nhận thức đầy đủ, thì không ứng dụng được. Hệ thống CNTT không liên kết được với nhau cũng là vấn đề, chuẩn hóa thông tin thế nào, có cần thống nhất về thiết bị và có cơ chế chia sẻ thông tin ra sao. "Tôi cho rằng, yếu tố bảo mật an ninh an toàn cũng phải lưu ý nếu không có cơ chế bảo mật người ta không dám trao đổi dữ liệu."
Ông Đặng Đức Mai – đại diện Bộ Tài chính lại nhìn thấy sự bất cập trong việc bố trí thời gian: "Tôi cho rằng, trong khoảng thời gian rất ngắn mà mục tiêu lại lớn nên phân tích làm việc gì là chính, muốn làm nhanh phải có môi trường pháp lý. Đẩy mạnh nhận thức của toàn xã hội đặc biệt là trong cơ quan nhà nước. Cần xây dựng kiến trúc hệ thống lớn cho CPĐT của Việt Nam. Hiện, chúng ta chưa có kiến trúc tổng thể cho một hệ thống thông tin. Chúng ta đang xây dựng từng căn phòng mà không nhìn thấy tòa nhà. Các chương trình quản lý công văn giữa các bộ không kết nối với nhau thì ứng dụng dùng chung không để làm gì."
Chính phủ điện tử - cần phải sử dụng được
Ý kiến của ông Vũ Hoàng Liên – đại diện Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) được mọi người đánh giá cao, ông cho biết: Tầm nhìn về CPĐT là không sai nhưng cần phải mang lại hiệu quả thực sự cho quốc gia. Nó phải thiết thực với người dân, chủ thể quản lý là các hệ thống quản lý cơ quan nhà nước và nó phải đong đếm được chứ không thể cứ bỏ tiền ra xây dựng "trông rất đẹp" nhưng không thể sử dụng. Nó phải đóng góp vào việc quản lý có hiệu quả, đem lại quan hệ tin cậy giữa nhà nước và dân, giữa Việt Nam với thế giới.
Về định hướng, ông kiến nghị cần quan tâm ở tầm vĩ mô, cần mở rộng thành phần tham gia đóng góp vào CPĐT, không thể một năm hai năm mà nên đưa ra lộ trình 20 năm... Mặc dù là hệ thống của chính phủ nhưng nên khai thác quan hệ kinh tế để có động lực và mục tiêu. Cơ sở dữ liệu phải kế thừa, chấp nhận những cái tất yếu của công nghệ, phải có những bước đi và nguyên tắc là liên kết, đây là vấn đề cốt lõi và trọng yếu của CPĐT.
Cần có quy hoạch và bản kế hoạch và nhặt ra từng dự án cụ thể đặt ra từng lộ trình khác nhau. Về mục tiêu phải tìm giải pháp vĩ mô sau đó đi vào giải pháp cụ thể.
Liên quan đến cải cách hành chính ông Nguyễn Đức Cường - Bộ Nội vụ cho biết, nên tổ chức tất cả những vấn đề trên mạng. Chọn ra ngày không giấy tờ đối với người dân và các cơ quan hành chính. Bắt buộc công chức, viên chức sử dụng email có đuôi .gov.vn, và chọn ra ngày phù hợp để bắt đầu làm việc qua Email.
Ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM kiến nghị: Cần có hội nghị tập hợp những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương tham gia, để họ hiểu và ủng hộ. Nếu những hội nghị là những người làm CNTT thì không có tác dụng gì nhiều, sẽ không có bước đột phá. Ý kiến này được Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đồng tình.
Ông Hà cho biết thêm, quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện để xây dựng CPĐT. Để làm được, ông kiến nghị cần xây dựng tầm nhìn xa hơn, nhưng lập kế hoạch theo từng năm về kinh phí. Mục tiêu thì cần dài hạn, trong vòng nhiều năm, nhưng từng năm có kế hoạch cụ thể, hiệu quả cao.
Ông Đỗ Trung Tá – Phó trưởng Ban quốc gia về CNTT nhận xét, mặt bằng CNTT của chúng ta khá thấp, không có sản phẩm đáng tự hào, chỉ số êề CPĐT tăng lên chủ yếu do nhiều website nhưng phục vụ cho xã hội thì chưa có. Thứ hai, xây dựng CPĐT vừa khoa học vừa liên kết với đổi mới cải cách hành chính, pháp lý, nên sẽ có sự tham gia của Bộ Nội vụ liên quan đến CCHC.
CPĐT không chỉ làm 1 vài năm, mà phải cập nhật liên tục và cần thông qua thị trường để nâng cấp trình độ công nghệ, nâng cao tính sáng tạo của đội ngũ CNTT. Bản chất CNTT là phá bỏ ranh giới địa lý nên việc sử dụng tập trung hay phân tán là uyển chuyển, linh hoạt. Xây dựng nhiều chuyên gia CNTT và lực lượng tư vấn, liên kết 2 lực lượng này.
Ông Tá nhấn mạnh, để làm tốt thì phải có sự tham gia của lãnh đạo và họ phải là người thực hiện trước tiên như sử dụng email, máy tính, Internet để làm việc, từ đó nhân viên sẽ phải làm theo.
Ông cho rằng, khi triển khai CPĐT sẽ xảy ra “cuộc chiến” giữa một bên là dùng giấy và bên kia là không dùng giấy. Để chương trình này thành công, ông cho rằng cần có một quyết định mạnh mẽ như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đây là những ý kiến có trách nhiệm, trí tuệ và thẳng thắn. Bộ sẽ tập hợp các ý kiến và phân tích các ý kiến, ý kiến nào phù hợp sẽ được bổ xung vào chương trình. Về một số giải pháp, Bộ trưởng cho biết, sẽ củng cố nhận thức, xây dựng cơ chế đặc thù, kích cầu đầu tư và có qui định cưỡng chế hành chính.
Bộ trưởng cho biết thêm, triển khai CPĐT phải làm liên tục không ngừng nghỉ, trong triển khai có đánh giá kết quả ứng dụng CNTT và có hình thức khen chê, thưởng phạt rõ ràng. Đồng thời chuẩn hoá trung tâm dữ liệu, xây dựng các dịch vụ, xác lập cơ chế thông tin, tích cực giao ban điện tử gắn với thực tiễn cũng như rà soát lại mục tiêu, mô hình để quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, đây không phải là hội nghị tham vấn cuối cùng. Sau khi hội nghị tham vấn lần thứ 3 này kết thúc, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị tham vấn mời người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương tham gia, nhằm làm thay đổi nhận thức từ cấp lãnh đạo, xem đây là quyết tâm chính trị.
Theo VTCnews
Bình luận