Nếu như Hội chợ Điện tử tiêu dùng CES diễn ra vào đầu năm mang tới những lời hứa hẹn cho giới công nghệ, thì Computex tổ chức vào tháng 6 mới là người thực hiện lời hứa đó.
Mỗi năm vào đầu tháng 6, Triển lãm Computex lại được tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan nhằm giới thiệu mọi thứ có liên quan tới máy tính. Computex là sự kiện lớn, nếu không muốn nói là triển lãm lớn nhất năm dành cho các nhà sản xuất máy tính như Acer, AMD, ASUS.
Computex không chỉ lớn về quy mô mà còn có tầm quan trọng không nhỏ đối với cục diện ngành công nghiệp máy tính nói chung. Vì sao sự kiện diễn ra tại quốc gia châu Á này lại quan trọng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu:
Tập trung vào thực tế, không “hái sao trên trời”
Những sự kiện lớn như CES hay CeBIT thường giành được sự quan tâm hơn của dư luận song đây thường là nơi trưng bày các nguyên mẫu hay thiết kế tham khảo chỉ xuất hiện trong một buổi trình diễn đặc biệt, có thể biến mất ngay vài tháng sau đó. Màn hình 4K độ phân giải cao, màn hình smartphone uốn dẻo… đều thú vị song chúng chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm. Chúng không phải sản phẩm thực tế sẽ được sản xuất trong vài tháng tới. Phần lớn những thứ nổi bật nhất của CES 2013 tới nay vẫn chưa xuất hiện trên thị trường dù đã qua được gần 5 tháng.
Tuy nhiên, mọi thứ tại Computex lại khác. Carolina Milanesi, Phó Chủ tịch phụ trách mảng công nghệ tiêu dùng tại hãng nghiên cứu Gartner nhận định: “Đây là thời điểm hoàn hảo trong năm để trình diễn những gì mà các kệ hàng mùa nghỉ lễ sẽ bán. Nói cách khác, CES giống như lời hứa hẹn, còn Computex là người thực hiện lời hẹn ước”.
Patrick Moorhead, đồng sáng lập kiêm chuyên gia phân tích cao cấp của hãng Moor Insights and Strategy cũng cùng chung nhận định. Xét về khung thời gian, theo ông, CES và CeBIT được tổ chức đầu năm nên không phù hợp để giới thiệu sản phẩm cho mùa tựu trường hay mùa mua sắm cuối năm.
Điều mơ mộng tại CES được truyền tải tại Computex. Nếu tại CES 2013, Intel trình diễn thiết kế bộ xử lí mới Haswell dành cho laptop “lai” thì tại Computex 2013, hãng đã thực sự tung ra Haswell. Tương tự, Computex 2012 là nơi tập hợp của nhiều laptop màn hình cảm ứng, chuyển đổi khi các nhà sản xuất châu Á bắt đầu theo đuổi thiết kế mới phù hợp với Windows 8.
Địa điểm tổ chức
Nếu Computex quan trọng như thế, tại sao nó không được tổ chức tại nơi nào khác để thu hút được sự chú ý của phương Tây hơn? Computex do Hiệp hội Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức. Chỉ riêng điều này cũng đủ trả lời cho bất cứ ý nghĩ muốn “di cư” Computex tới Mỹ.
Ngoài điều này, địa điểm tổ chức Computex cũng khiến triển lãm trở nên vô cùng quan trọng trong toàn ngành công nghệ. Theo Milanesi, Computex được đặt tại nơi mà gần như mọi thứ được sinh ra: Đài Loan. Quốc gia được xem như công trường sản xuất chính của thung lũng Silicon, là nơi mà các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện toán đều hiện diện.
Những nhà sản xuất lớn như Foxconn, Pegatron đều gọi Đài Loan là “nhà”. Tổ chức Computex tại sân nhà không chỉ mang lại lợi thế văn hóa lớn mà còn trao cơ hội tiếp cận “ngôi sao đang lên” trên bầu trời công nghệ tiêu dùng cho các “ông lớn” phương Tây như Intel, AMD.
Moorhead cho rằng Computex rất quan trọng với các gia không xuất phát từ châu Á vì đây là cánh cổng trọng yếu để tiến vào Trung Quốc, thị trường công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới.
Đã đến lúc nên suy nghĩ khác
Hai lí do kể trên cho thấy Computex có vị trí thế nào với phần còn lại của thế giới, dù không có sức hút như CES hay triển lãm game E3.
“Đáng buồn là tôi nhận thấy Computex chỉ được xem như những triển lãm bình thường khác tại châu Á. Sự khác biệt về thời gian và địa lí hạ thấp ảnh hưởng của nó trong công chúng và báo giới Mỹ”, Milanesi kết luận. Những bài báo về Computex xuất hiện khi ở Bắc Mỹ đang là nửa đêm.
Một điểm nữa là do thường được tổ chức liền kề hội nghị WWDC của Apple và E3, hai sự kiện lớn đều được tổ chức ở Mỹ, Computex bị đánh giá thấp hơn bản chất là điều dễ hiểu.
Nếu bạn muốn thấy tương lai thực sự của giới công nghệ thay vì những lời hứa hẹn suông và mù mờ, nên để mắt tới Đài Bắc và Computex.
Theo ICTnews/PCW
Bình luận