Ngày 3/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức tọa đàm giới thiệu và xin ý kiến các Hiệp hội doanh nghiệp CNTT về việc gia nhập Hiệp định CNTT mở rộng (ITA).
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết Đảng và Nhà nước ta đã xác định ngành Công nghiệp CNTT là một trong những ngành được đặc biệt quan tâm để đầu tư phát triển. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam cũng đồng thời gia nhập Hiệp định CNTT 1996 như là một điều kiện gia nhập WTO. Năm đó, Việt Nam gia nhập ITA nhưng không được đàm phán và bây giờ Việt Nam đang đứng trước cơ hội rõ ràng hơn đối với ITA. ITA đang muốn mở rộng danh mục sản phẩm CNTT. Chúng ta có quyền tham gia đàm phán hoặc không.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời gia nhập ITA, Việt Nam từng bước rỡ bỏ hàng rào thuế quan với 300 mặt hàng sản phẩm CNTT và cam kết tiến tới miễn thuế hoàn toàn cho 300 mặt hàng trong danh mục ITA 1996 vào năm 2014.
ITA có những mục tiêu: mở rộng thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm CNTT, là vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp CNTT; Nâng cao mức sống, phổ cập ứng dụng CNTT sản xuất và thương mại hàng hóa; Đạt được sự tự do tối đa trong thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm CNTT và khuyến khích sự phát triển liên tục của CNTT trên toàn cầu.
ITA có 75 nước thành viên trong đó có Việt Nam, là cơ chế cặt giảm thuế quan và thực hiện theo 3 nguyên tắc: Phải tuân thủ danh sách các sản phẩm liên quan đến CNTT được ghi trong Hiệp định; Từng bước giảm dần thuế xuất nhập khẩu đối với những sản phẩm được liệt trong Hiệp định, và tiến tới bỏ hẳn thuế xuất/nhập khẩu; Tất cả các loại thuế khác cũng cần được gỡ bỏ từng bước.
Theo Vụ CNTT đánh giá tác động của ITA đối với sản xuất cho biết các doanh nghiệp điện tử thương hiệu Việt hầu như phá sản hoặc chuyển đổi hướng hoạt động thương mại dịch vụ như: Công ty TNHH điện tử Tiến Đạt, Viettronic Tân Bình, Hanel… Thị trường máy tính thương hiệu Việt lắp ráp không mở rộng ước tính: desktop 15 - 20%, laptop 10% (FPT Elead, CMS…); Thị trường do các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chi phối gây nên rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất, sáng tạo và giảm mức độ cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt.
Về thương mại, tác động của ITA là thị trường của sản phẩm phần cứng, điện tử Việt Nam bị thu hẹp, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm nhập ngoại; Tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 có tăng, đạt 80 - 90%, chủ yếu do xuất khẩu điện thoại của các doanh nghiệp FDI; Doanh nghiệp thương hiệu Việt chưa tìm được địa chỉ xuất khẩu.
Đối với quản lí nhà nước, tác động của ITA là giảm nguồn thu thuế đối với các sản phẩm CNTT, tác động đến hệ thống chính sách và công tác quản lí.
Về mặt tích cực, ITA có thể làm giảm giá sản phẩm CNTT, thúc đẩy nhu cầu phổ cập CNTT khi gỡ bỏ hàng rào thuế quan, thu hút FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều đại biểu tại tọa đàm đã đồng tình này cho rằng Việt Nam cần tham gia đàm phán ITA. Theo ông Bùi Mạnh Hà, Hiệp hội Vinasa cho biết việc tham gia đàm phán ITA là cần thiết khi chúng ta tiến vào nền kinh tế tri thức.
“Hàng hóa tiêu dùng chiếm ngày càng lớn. Một số nguyên vật liệu tưởng không liên quan nhưng là thành phần không thể thiếu của các sản phẩm CNTT. Ví dụ như in 3D gồm phần mềm in 3D, thiết kế sản phẩm, nguyên vật liệu dùng cho in. Việt Nam cần có sự đón trước và đi trước bắt kịp thế giới”, ông Hà cho hay.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, VNPT Technology, Việt Nam không nên nằm ngoài “cuộc chơi”. Theo ông Trần Quang Hùng, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đặc điểm của ngành CNTT hiện đại là chuyên môn hóa cao và toàn cầu hóa. Ngành điện tử thế giới quan tâm tới WTO và ITA rất lớn. Còn đại diện của VNPT Technology cho biết khi tham gia ITA phải cạnh tranh nhưng sẽ có cơ hội.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc quan hệ chính phủ của Intel cho biết việc tham gia đàm phán ITA mở rộng là có lợi. Ví dụ các sản phẩm Intel sản xuất ra được hưởng lợi từ giá thành cạnh tranh hơn, người sử dụng tiếp cận các sản phẩm laptop, điện thoại có chip Intel với giá ưu đãi hơn. Thứ hai, khi nhà máy sản xuất Intel hoạt động hết năng suất thì sản phẩm chip Intel Việt Nam xuất khẩu, đi vào các sản phẩm laptop, 50% số chip trên thế giới là của của Intel nên điểm có lợi cho con chip của Intel là chuỗi cung ứng toàn cầu đối với người sử dụng và Intel.
Ngoài ra, bà Thúy còn cho biết sức lan tỏa của các công ty lớn khi đầu tư vào một nước, không chỉ ở Việt Nam, ngoài giá trị mức thuế còn là điểm đặc biệt mà mỗi nước Intel đầu tư vào. Giá trị Intel đem lại không chỉ là sản phẩm xuất khẩu mà còn là thị trường lao động chất lượng cao của ngành công nghệ cao cũng như cơ hội tạo ra việc làm.
Tuy nhiên, theo đại diện các đơn vị tham gia tọa đàm cho biết việc tham gia đàm phán ITA, Việt Nam phải có chuẩn bị kĩ.
Giám đốc kế hoạch kinh doanh và phát triển thương hiệu công ty TNHH Panasonic Việt Nam Naoki Sugiura cho biết cần cân nhắc tham gia như thế nào? Đạt được danh mục với mục tiêu bao nhiêu?
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết việc tham gia đàm phán ITA phải có lợi chứ không phải các nước hô hào tham gia ngay là tham gia mà phải cân nhắc một cách tổng thế, lâu dài và có thị trường phù hợp.
Theo ICTPress
Bình luận