Các nhà khoa học Israel vừa phát triển một công nghệ mới dựa trên năng lượng mặt trời để chưng cất nước sạch.
Khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước là hai trong những vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện nay, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, những nơi mà cơ sở hạ tầng và nguồn lực còn có hạn. Mới đây, các nhà khoa học Israel đã phát triển một công nghệ mới dựa trên năng lượng mặt trời để chưng cất nước sạch, có thể mở đường cho một giải pháp lâu dài cho vấn đề này.
Một công ty của Israel đang hi vọng hệ thống chưng cất nước sạch bằng năng lượng mặt trời của họ sẽ có thể giúp giải quyết hai vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện nay là khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước.
Một lượng nước mẫu được lấy từ sa mạc gần Biển Chết, nơi mà nguồn nước đang ngày càng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Và họ đã biến số nước đó thành nước có thể uống.
Tiến sĩ Ronald Silver, đồng sáng lập Công ty SunDwater, Israel cho biết: "Chúng tôi cảm thấy chúng tôi đang sở hữu một sáng chế mang tính cách mạng, có thể làm thay đổi thế giới. Giải pháp của chúng tôi chỉ hoàn toàn bằng năng lượng sạch, không cần cơ sở hạ tầng, được dùng bằng năng lượng mặt trời và với thiết kế độc quyền của chúng tôi để có thể chưng cất được ra nước tinh khiết với một khối lượng nước mà từ trước đến nay với các hệ thống khác chưa bao giờ đạt được”.
Các nhà sáng chế cũng cho biết hệ thống này hoạt động vô cùng đơn giản và không cần phải bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, nên rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Nước bị ô nhiễm hay bị nhiễm mặn được bơm vào máy chưng cất và với một chiếc đĩa quang điện tập trung lượng tia sáng mặt trời, nước được đun nóng lên rồi bốc hơi nhanh. Hơi nước sau đó ngưng tụ lại và chảy vào một thùng chứa thành nước sạch. Đáng nói là thiết bị này có thể chưng cất được 400 lít nước sạch mỗi ngày.
Giáo sư Avner Adin, chuyên gia công nghệ về nước tại Đại học Hebrew Jerusalem nói: "Điều quan trọng trước tiên là hệ thống này có thể dùng được ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, ở những ngôi làng nhỏ của các nước đang phát triển, có thể dùng cho sản xuất nông nghiệp ở những nơi không có nước sạch".
Nhưng hiện các nhà sáng chế vẫn chưa muốn dừng lại ở đây. Họ đang có tham vọng nghiên cứu ra một phiên bản tiên tiến hơn có thể sản xuất ra được một lượng nước sạch lớn hơn.
Tại Việt Nam cũng đã có những công trình sử dụng năng lượng mặt trời để chưng cất nước mặn thành nước ngọt, được ghi nhận. Cụ thể nhất là đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” của hai sinh viên Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Duy Linh của Đại học Cần Thơ đã từng giành giải nhất cuộc thi Holcim Prize năm 2011. Tuy nhiên, thiết bị này mới chỉ có khả năng chưng cất từ 90 tới 150 lít nước một ngày.
Theo VTV News
Bình luận