Trung Quốc vốn luôn nổi tiếng với nền văn hóa "bản sao". Nhưng đây là câu chuyện về bản sao của một trong số hiếm nhân vật nước Mỹ tôn thờ là thiên tài: Steve Jobs.
Tại một đất nước hầu như chỉ gia công chứ hiếm khi phát minh ra được những sản phẩm như iPhone, Lei Jun, một doanh nhân kiêm tỉ phú không ngần ngại tự nhận mình và công ty của mình là những "kẻ kế thừa" của Jobs. Thậm chí giới truyền thông Trung Quốc cũng vào hùa với Jun khi đặt biệt danh cho công ty của anh ta - Xiaomi là "Apple của phương Đông".
Danh hiệu này có vẻ hơi cuồng đại, xét theo tất cả các phương diện. Tuy nhiên, đúng là Lei có phần mã ngoài gợi nhớ đến Jobs thật, từ trang phục quần jeans kết hợp sơ mi tối màu cho đến việc bán được hàng triệu chiếc điện thoại với ngoại hình na ná như iPhone. Người dùng Trung Quốc và nhiều nhà đầu tư nước ngoài dường như cũng tin thế thật.
Thế nhưng có lẽ người tin nhất - không ai khác - chính là Lei. Anh ta không ngần ngại xuất hiện trên sân khấu để giới thiệu sản phẩm mới, đưa ra những tuyên bố mà đối với nhiều người, nghe "chém gió" quá mức.
Chẳng hạn như: "Chúng tôi đang khiến cho điện thoại giống như PC, và đây là một ý tưởng hoàn toàn mới", Lei khẳng định như đinh đóng cột trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở chính của Xiaomi cách đây ít lâu. "Chúng tôi đang làm những việc mà các hãng khác chưa từng làm trước đây".
Nếu tình cờ nghe được phát ngôn này, hẳn cả Apple lẫn Samsung đều sẽ phải ngã ngửa. Dù sao thì Xiaomi cũng đã kiếm được doanh thu 2 tỉ USD từ điện thoại di động tại thị trường Trung Quốc trong năm ngoái. Hãng này nổi lên như một thế lực mới ở quê nhà, cũng là thị trường ĐTDĐ lớn nhất thế giới. Theo dự kiến, doanh thu của Xiaomi có thể tăng gấp đôi trong năm nay.
Điều trái khoáy là Lei rất không thích bị so sánh với Apple và Jobs. Tất nhiên rồi. Xiaomi bán được 7 triệu điện thoại năm ngoái nhờ những thiết kế mà nhìn qua cũng biết là lấy cảm hứng từ iPhone. Họ cũng sử dụng đúng những chiêu marketing được trích từ cẩm nang của Táo khuyết. Nhờ sự "học theo" này mà không một tập đoàn quốc tế nào đạt được doanh thu thường niên 1 tỉ USD tại Trung Quốc nhanh hơn Xiaomi, kể cả Amazon.
Hiện tại, đứng sau lưng Xiaomi có nhiều quỹ đầu tư lớn như Qiming Venture Partners, một liên doanh giữa Qualcomm với Digital Sky Technologies, hay hãng đầu tư của tài phiệt Yuri Milner, người đã rót vốn cho Facebook, Groupon và Zynga từ những ngày đầu. Hiện Xiaomi vẫn chưa phát hành IPO và cũng chưa có dự định đó ít nhất là vài năm nữa. Nhưng giá trị hiện tại của hãng được xác định vào khoảng 4 tỉ USD.
Nếu chính xác, Xiaomi sẽ dễ dàng lọt vào top những hãng công nghệ có giá trị lớn nhất Trung Quốc, chỉ sau Alibaba, Baidu, Tencent và Netease.
Nhưng không phải Xiaomi không có những thách thức. Các mẫu điện thoại giá rẻ của hãng không sở hữu lợi thế nào về phần cứng cũng như phần mềm. Đó là chưa kể những thương hiệu smartphone lớn như Lenovo, Huawei, HTC cũng đang đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị tại Trung Quốc.
Chân dung Lei Jun
"Anh ta là một doanh nhân hiếm có", Kai-Fu Lee, một cựu quan chức Google hiện đang điều hành hãng đầu tư Innovation Works có trụ sở tại Bắc Kinh bình luận. "Anh ta thấu hiểu nhu cầu của người dùng và thị trường và giờ khao khát muốn tạo ra một thương hiệu của mọi nhà trong lĩnh vực công nghệ".
Không chỉ là doanh nhân đơn thuần, Jun còn chuyên đầu tư vào các hãng mới thành lập. Suốt 10 năm qua, anh ta đã phát triển hãng phần mềm Kingsoft và nắm giữ số cổ phần trị giá 300 triệu USD. Jun cũng đầu tư vào một chuỗi các hãng phần mềm/Internet thành công như YY (một nền tảng xã hội được IPO trên sàn Nasdaq năm ngoái và hiện có giá trị khoảng 1,5 tỉ USD).
Tuy vậy, đời tư của Lei lại rất ít được tiết lộ. Chỉ biết Lei lớn lên gần Vũ Hán và học CNTT tại Đại học Vũ Hán. Thời sinh viên, vào khoảng năm 1987, Lei đã đọc được một cuốn sách viết về Jobs và quyết định học theo thần tượng của mình. Trang cá nhân của anh trên mạng xã hội Sina Weibo hiện có gần 5 triệu người theo dõi và trong làng công nghệ, anh ta được coi như một siêu sao nổi tiếng.
"Tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuốn sách đó và tôi muốn tạo ra một công ty hạng A như Apple. Vì thế, tôi lên kế hoạch học xong đại học thật nhanh". Kết quả là Lei tốt nghiệp đại học chỉ sau 2 năm. Liền sau đó, anh ta gia nhập Kingsoft. Là một kĩ sư tài năng cộng thêm kĩ năng marketing sắc sảo, Lei nhanh chóng thăng tiến lên hàng ngũ lãnh đạo và được bổ nhiệm làm CEO vào năm 1998.
"Anh ấy có tầm nhìn", Liu Ren, một người bạn lâu năm của Lei chia sẻ. "Nhìn thấy những xu hướng trước người khác và luôn sẵn sàng để thích ứng".
Tháng 8/2011, Xiaomi ra mắt mẫu smartphone đầu tiên có tên Mi-1 và sản phẩm này bán hết sạch chỉ trong 2 ngày. Mi-2 được tung ra vào tháng 8 năm ngoái và cháy hàng trong thời gian còn nhanh hơn. Một số nhà phân tích cáo buộc Xiaomi cố tình gây khan hiếm giả để tạo ra sự đình đám cho sản phẩm.
Để hạ thấp giá thành, hãng loại bỏ hoàn toàn các trung gian và kênh phân phối, chỉ bán hàng trực tiếp thông qua website. Chiêu bán hàng này không mới mẻ gì ở Trung Quốc, nhưng nó cho phép Xiaomi bán smartphone với giá chỉ bằng một nửa so với iPhone hay Samsung Galaxy.
Xiaomi cũng tiến hành thuê ngoài thiết kế và các tính năng từ cộng đồng Mi-Fans, đồng thời phát hành một phiên bản cập nhật của hệ điều hành vào thứ 6 hàng tuần, khiến cho các fan luôn cảm thấy hào hứng.
Nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ để thuyết phục các chuyên gia công nghệ kì cựu. Họ vẫn cho rằng giá trị của Xiaomi chỉ là bong bóng và sẽ rất khó để hãng này duy trì đà tăng trưởng hiện nay.
Trong khi ấy, Lei vẫn bình thản "chém" rằng: "Chúng tôi không phải là một công ty Trung Quốc chuyên sản xuất điện thoại rẻ tiền. Chúng tôi sẽ lọt vào Top 500 của Fortune".
Theo Vietnamnet
Bình luận
Giỏi thật. Bằng SJ hay không thì thế cũng đã là tấm gương sáng cho mọi người đi sau rồi
giỏi thiệt đó